Bái Đính nhìn từ trên cao

Bái Đính nhìn từ trên cao

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Thác Bạc

Dừng chân tại thác Bạc, bất chợt tôi nghĩ đến một đoạn thơ của tác giả Cẩm Chi Châu:
“Chưa đi chưa biết Sapa
Đi rồi mới biết mây ba bốn tầng
Nắng viền thác Bạc một vầng
Tình yêu xối xả trắng ngần bay bay”


Thác Bạc (Ảnh: Nguyễn Đình Bình)

Quả đúng là như vậy, cảnh đẹp tựa như thơ. Chúng tôi đến thác Bạc trong một buổi chiều nắng nhẹ. Đi từ xa đã có thể nghe thấy tiếng thác đổ từ trên cao xuống ầm ầm, vang dội cả một góc trời. Tiến lại gần, tôi mới thấy rõ hết cảnh hùng vĩ của thác Bạc. Dòng thác chảy từ trên núi xuống với độ cao hơn 200m tung bọt trắng xóa, đây cũng là nguyên nhân xuất phát điểm cái tên “Thác Bạc”.
Dừng ở dưới chân thác, ta có thể nhìn thấy hai lối đi với những bậc thang và lan can bằng sắt, bên phải là lối đi lên, bên trái là để đi xuống. Với những nấc thang đó, không quá khó khăn để lên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây.
Đi khoảng 50m, ta sẽ bắt gặp một chiếc cầu vắt ngang thác. Đây cũng là điểm đẹp nhất để ngắm nhìn toàn bộ cảnh trí thác Bạc và nó cũng là cầu nối để di chuyển trở lại điểm xuất phát ban đầu. Có rất nhiều người gọi đây là chiếc cầu “Mây”, không phải bởi nó làm bằng chất liệu dây mây giống như chiếc cầu ở dòng sông Mường Hoa, mà thực ra nó được làm bằng sắt. Nhưng tại sao họ lại gọi nó là “Cầu Mây”? Đơn giản là vì, vào những khi sáng sớm hoặc khi không có nắng, những đám mây sà xuống thấp che phủ cả cây cầu. Những vị khách bước trên đây có cảm giác mình đang đứng trên mây, đang ở trong chốn bồng lai tiên cảnh. Còn những người từ xa nhìn lại thì cứ ngỡ những vị khách kia đang lơ lửng trong không trung, được những đám mây nâng đỡ. Chính bởi vậy, chiếc cầu vắt ngang thác Bạc được nhiều người gọi với cái tên vô cùng thơ mộng “Cầu Mây”.
Nhiều người còn kháo nhau rằng, nếu đến thác Bạc vào một ngày nắng to, chúng ta có thể được chiêm ngưỡng một cảnh sắc vô cùng đẹp, đó là một chiếc cầu vồng 7 sắc vắt ngang qua thác Bạc. Vẫn biết rằng đó là một hiện tượng hết sức tự nhiên của trời đất, nhưng vẫn sẽ tuyệt vời làm sao khi được chứng kiến cảnh tượng đó.
Có một điều đặc biệt tại thác Bạc mà bất cứ du khách nào cũng không nên bỏ qua đó là gần chân thác Bạc, có một trung tâm nuôi trồng cá hồi lớn nhất miền Bắc. Nếu trước đây, ta chỉ có thể bắt gặp những chú cá hồi trên tivi, hay những chú cá hồi “đông lạnh trong siêu thị” thì ngày nay ta hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng những chú cá hồi ngay tại thác Bạc – Sapa, thậm chí là có thể thưởng thức những món ăn thơm ngon chế biến từ cá hồi với một mức giá phải chăng.
Người ta đã dùng một đường ống dài khoảng 1.000m, dẫn nước từ trên thác xuống những bể nuôi cá hồi. Chính dòng thác Bạc đã giúp cho những chú cá hồi có thể sống sót bởi nước ở thác Bạc luôn trong lành và có nhiệt độ phù hợp với môi trường sống của loài cá “khó tính” này.
Rất tiếc là chúng tôi không có dịp được vào trong trung tâm để tận mắt chứng kiến quy trình nuôi trồng cá hồi độc đáo ở nơi đây. Hy vọng một ngày không xa, nếu có dịp trở lại thác Bạc chắc chắn tôi sẽ phải đi khám phá điều thú vị có một không hai ở nơi này. Và không quên thưởng thức những món ăn hấp dẫn, ngon lành, bổ dưỡng từ thịt cá hồi.


Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

247

.
.
.
.
.
.
.
ngày tôi bước sang tuổi mới
cũng là ngày bà tôi lìa xa cõi đời
một năm rồi
sinh nhật không hoa, không bánh
sinh nhật không tiếng nói, tiếng cười
chỉ còn nỗi bùi ngùi xót xa
chỉ còn nước mắt lăn dài trên gò má

tôi còn nhớ
một năm về trước
ngày bà mất
là ngày tôi đang ở xa
ngày tôi không được về nhà
để ở gần bên bà...trong những giây phút cuối

bà ơi
cháu nhớ bà 
chỉ muốn khóc òa cho thỏa nỗi nhớ
cảm xúc chết lặng trong từng hơi thở
dấu nỗi buồn trong những vần thơ

cháu còn nhớ
nhiều năm về trước
ngày mà cháu vẫn có bà kề bên
bà chăm cháu ăn
bà lo cháu ngủ
bà quan tâm tới cháu đủ đầy
vậy mà cháu vô tâm đâu hay biết
những nếp nhăn đã hằn sâu trên khóe mắt
bà ơi !

trách thời gian đã lấy đi tất cả
mang bà của cháu đi xa
còn đây mảnh gỗ đàn hương hai bà cháu nằm ngủ
còn đây tủ thuốc đầu giường
còn đây mùi dầu Trường Sơn bà vẫn thường thoa mỗi tối
còn đây giàn mướp trước hiên nhà
còn đây chiếc ghế trắng bà vẫn thường ngồi chải tóc
còn đây quạt nan
còn đây chổi lúa
còn đây, còn đây và còn đây
vậy mà còn đâu ?
còn đâu hình hài thân thương bé nhỏ
còn đâu mái tóc bạc trắng như tơ
còn đâu những chiếc áo đơn sơ
còn đâu những lời nói hiền từ...

chỉ còn lại đây những kỉ niệm
chỉ còn lại đây những nỗi nhớ đầy vơi

ước gì có thể vặn ngược kim đồng hồ
để cháu được ở bên bà nhiều hơn
để được nói những lời yêu thương
mà bấy lâu cháu chưa dám cất lời

bà ơi !
cháu mạnh mẽ lắm
cháu không khóc nhiều đâu
chỉ tại khói hương làm cay xè mắt cháu

ông trời ơi ! 
nếu có kiếp sau
vẫn nguyện xin được làm bà cháu
tự ngàn xưa cho đến muôn đời sau...

Tặng bà của cháu,
Ngọc Anh

Tái bút: Cháu không bao giờ quên hình ảnh bà nhất là những lúc cháu về Hà Nội bà lại tiễn ra tận ngoài đường. Ánh mắt bà xa xăm dõi theo cháu, vẫy cháu. Lúc nào trước khi cháu về bà cũng dặn: Hôm nào được nghỉ về chơi ! Cháu vừa đi xe vừa ngoái đầu lại nhìn bà. Bà vẫn đứng đó dõi theo cháu. Những lúc như thế cháu chỉ muốn được ở với bà thêm nhiều ngày nhiều ngày nữa thôi. Hai bà cháu cứ nhìn nhau cho đến khi chỉ còn là những chấm nhỏ. Xa dần. Và biến mất.

Khuất tầm mắt nhưng không bao giờ khuất trong tim !

Đông Anh, ngày 24 tháng 7 năm 2015

22h06'

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Chợ đêm Sapa



Một góc chợ đêm Sapa, ảnh: Lường Thanh Hoàng

Chợ đêm Sapa cũng có nét tương đồng với chợ đêm Hà Nội, cũng tấp nập người mua – kẻ bán. Chỉ có điều những “thương nhân” ở đây đa phần là các đồng bào tộc người thiểu số (H’Mông, Dao,…), và mặt hàng họ bày bán chủ yếu là các sản phẩm thổ cẩm (quần áo, váy, khăn, mũ, túi xách…).
Nếu chợ đêm Hà Nội rực rỡ ánh đèn, ồn ào náo nhiệt, thì chợ đêm Sapa có chút gì đó lặng lẽ hơn, những vị khách du lịch dạo bước quanh khu chợ, thì thầm với nhau vài điều gì đó, thi thoảng ghé xuống những sạp hàng để chọn cho mình những món đồ thổ cẩm ưa thích. Những người “bán hàng” lúc bấy giờ mới cầm trên tay một chiếc đèn pin nhỏ, soi vào những món đồ cho khách và mời “Mua đi” với một giọng nói ngây ngô nhưng hết sức dịu dàng, dễ thương.
Càng đi sâu vào trong chợ, những mảng tối khuất dần phía sau lưng, nhường chỗ cho một khu vực sáng ánh đèn điện, tại đây các mặt hàng bày bán cũng đa dạng, phong phú hơn với các loại thuốc thiên nhiên (tam thất, sâm, linh chi…), những loại mứt quả (táo mèo, đào, mận…), những chiếc lắc tay, vòng cổ lấp lánh ánh bạc, những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo…
Đi thêm khoảng dăm bước chân, nhìn sang bên phải, ta sẽ thấy một lối nhỏ, có bậc thang đi xuống. Không còn những người bày bán trên vỉa hè, hai bên lối đi xuống là những cửa hiệu nhỏ cũng kinh doanh buôn bán các loại mặt hàng. Khách du lịch vừa đi, vừa có thể ngắm nghía những món đồ hai bên đường.
Men theo lối nhỏ với những bậc thang, sau khi xuống đến bậc cuối cùng, ta lại bắt gặp một con phố rộng rãi, thoáng mát mà người dân ở đây gọi là phố “Cầu Mây”. Dừng chân ở đây mà tôi cứ ngỡ như đang đứng trong khu phố cổ ở Hà Nội, phố nhỏ với những cửa hiệu mọc lên san sát nhau, toàn các thương hiệu nổi tiếng và có thể bắt gặp rất nhiều khách du lịch từ các nước khác nhau.
Nhưng, chỉ với những điều đó cũng không để lại nhiều ấn tượng cho tôi. Điều thu hút tôi tại con phố này chính là một sạp hàng nhỏ, nằm đối diện với những cửa hàng hiện đại, của một phụ nữ người Dao đỏ. Tôi nhận ra qua chiếc khăn đỏ rực rỡ bà đội trên đầu.
Không biết cơ duyên gì đã khiến tôi cùng hai người bạn nữa dừng chân tại gian hàng nhỏ đơn sơ của bà. Có lẽ ban đầu, tôi bị cuốn hút bởi một chiếc túi thổ cẩm rất đẹp. Sau khi ngồi xuống ngắm chiếc túi, tôi bị cuốn hút bởi người phụ nữ Dao đỏ. Nhìn bà rất hiền từ, khiến tôi bất chợt nhớ đến người bà đã khuất của mình. Bà cũng rất thân thiện. Bà đưa những chiếc mũ “quả dưa” cho chúng tôi và nói rằng “Cho mượn chụp ảnh đấy, không lấy tiền đâu”. Chúng tôi nhìn nhau, nhìn bà và cười. Sau một hồi ngồi trò chuyện với bà, chúng tôi đã biết thêm được rất nhiều những điều mới lạ về phong tục, tập quán của người Dao đỏ. Bà còn dạy cho chúng tôi biết cách phân biệt đâu là hàng “thổ cẩm”, đâu là hàng “thổ tả”. Tôi còn được bà chỉ cho những họa tiết, hoa văn trên món đồ thổ cẩm như là hình thằng bé, hình cây lúa, ruộng bậc thang, cây thông,…Toàn những điều thú vị mà chúng tôi chẳng bao giờ có thể tìm thấy trên sách vở.
Thời gian trôi nhanh, chẳng mấy chốc mà tôi phải tạm biệt bà để trở về khách sạn nơi mình ở. Trước khi đi, tôi cùng hai người bạn cũng kịp mua cho mình những chiếc túi thổ cẩm, những chiếc móc chìa khóa cùng những món đồ vô cùng khéo léo và độc đáo làm kỷ niệm. Chúng tôi lưu luyến chia tay bà bằng những cái ôm, những bức ảnh lưu niệm, và lời hứa sẽ trở lại Sapa để được bà dạy cho cách thêu đồ thổ cẩm.
Tôi chợt nhận thấy Sapa thật tuyệt vời làm sao, một phần là do cảnh vật nhưng phần nhiều là do những con người hồn hậu và chất phác nơi đây.