Một góc chợ đêm Sapa, ảnh: Lường Thanh Hoàng
Chợ
đêm Sapa cũng có nét tương đồng với chợ đêm Hà Nội, cũng tấp nập người mua – kẻ
bán. Chỉ có điều những “thương nhân” ở đây đa phần là các đồng bào tộc người
thiểu số (H’Mông, Dao,…), và mặt hàng họ bày bán chủ yếu là các sản phẩm thổ cẩm
(quần áo, váy, khăn, mũ, túi xách…).
Nếu
chợ đêm Hà Nội rực rỡ ánh đèn, ồn ào náo nhiệt, thì chợ đêm Sapa có chút gì đó
lặng lẽ hơn, những vị khách du lịch dạo bước quanh khu chợ, thì thầm với nhau
vài điều gì đó, thi thoảng ghé xuống những sạp hàng để chọn cho mình những món
đồ thổ cẩm ưa thích. Những người “bán hàng” lúc bấy giờ mới cầm trên tay một
chiếc đèn pin nhỏ, soi vào những món đồ cho khách và mời “Mua đi” với một giọng
nói ngây ngô nhưng hết sức dịu dàng, dễ thương.
Càng
đi sâu vào trong chợ, những mảng tối khuất dần phía sau lưng, nhường chỗ cho một
khu vực sáng ánh đèn điện, tại đây các mặt hàng bày bán cũng đa dạng, phong phú
hơn với các loại thuốc thiên nhiên (tam thất, sâm, linh chi…), những loại mứt
quả (táo mèo, đào, mận…), những chiếc lắc tay, vòng cổ lấp lánh ánh bạc, những
món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo…
Đi
thêm khoảng dăm bước chân, nhìn sang bên phải, ta sẽ thấy một lối nhỏ, có bậc
thang đi xuống. Không còn những người bày bán trên vỉa hè, hai bên lối đi xuống
là những cửa hiệu nhỏ cũng kinh doanh buôn bán các loại mặt hàng. Khách du lịch
vừa đi, vừa có thể ngắm nghía những món đồ hai bên đường.
Men
theo lối nhỏ với những bậc thang, sau khi xuống đến bậc cuối cùng, ta lại bắt gặp
một con phố rộng rãi, thoáng mát mà người dân ở đây gọi là phố “Cầu Mây”. Dừng
chân ở đây mà tôi cứ ngỡ như đang đứng trong khu phố cổ ở Hà Nội, phố nhỏ với
những cửa hiệu mọc lên san sát nhau, toàn các thương hiệu nổi tiếng và có thể bắt
gặp rất nhiều khách du lịch từ các nước khác nhau.
Nhưng, chỉ với những điều đó cũng không để lại nhiều ấn tượng cho tôi. Điều thu hút
tôi tại con phố này chính là một sạp hàng nhỏ, nằm đối diện với những cửa hàng
hiện đại, của một phụ nữ người Dao đỏ. Tôi nhận ra qua chiếc khăn đỏ rực rỡ bà
đội trên đầu.
Không
biết cơ duyên gì đã khiến tôi cùng hai người bạn nữa dừng chân tại gian hàng nhỏ
đơn sơ của bà. Có lẽ ban đầu, tôi bị cuốn hút bởi một chiếc túi thổ cẩm rất đẹp.
Sau khi ngồi xuống ngắm chiếc túi, tôi bị cuốn hút bởi người phụ nữ Dao đỏ. Nhìn bà
rất hiền từ, khiến tôi bất chợt nhớ đến người bà đã khuất của mình. Bà cũng rất
thân thiện. Bà đưa những chiếc mũ “quả dưa” cho chúng tôi và nói rằng “Cho mượn
chụp ảnh đấy, không lấy tiền đâu”. Chúng tôi nhìn nhau, nhìn bà và cười. Sau một
hồi ngồi trò chuyện với bà, chúng tôi đã biết thêm được rất nhiều những điều mới
lạ về phong tục, tập quán của người Dao đỏ. Bà còn dạy cho chúng tôi biết cách
phân biệt đâu là hàng “thổ cẩm”, đâu là hàng “thổ tả”. Tôi còn được bà chỉ cho
những họa tiết, hoa văn trên món đồ thổ cẩm như là hình thằng bé, hình cây lúa,
ruộng bậc thang, cây thông,…Toàn những điều thú vị mà chúng tôi chẳng bao giờ
có thể tìm thấy trên sách vở.
Thời
gian trôi nhanh, chẳng mấy chốc mà tôi phải tạm biệt bà để trở về khách sạn nơi
mình ở. Trước khi đi, tôi cùng hai người bạn cũng kịp mua cho mình những chiếc
túi thổ cẩm, những chiếc móc chìa khóa cùng những món đồ vô cùng khéo léo và độc
đáo làm kỷ niệm. Chúng tôi lưu luyến chia tay bà bằng những cái ôm, những bức ảnh
lưu niệm, và lời hứa sẽ trở lại Sapa để được bà dạy cho cách thêu đồ thổ cẩm.
Tôi
chợt nhận thấy Sapa thật tuyệt vời làm sao, một phần là do cảnh vật nhưng phần
nhiều là do những con người hồn hậu và chất phác nơi đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét