Bái Đính nhìn từ trên cao

Bái Đính nhìn từ trên cao

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7


Lâu rồi mới lại có một bộ phim khiến mình cảm động và khóc nhiều đến vậy. “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” – đây là một bộ phim của Hàn Quốc. Chắc hẳn nhiều người khi nghĩ đến phim Hàn Quốc thường hình dung ngay ra các ngôi sao thần tượng, các “soái ca”,…không thì cũng là mô típ kiểu mắc bệnh hiểm nghèo, máu trắng, v.v. Nhưng, “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” là phim hoàn toàn khác, có thể nói là một thể loại phim mới của Hàn Quốc, nhưng không phải hoàn toàn xa lạ nếu bạn nào thường xuyên theo dõi phim Âu Mỹ. Phim xoay quanh chủ đề “tình yêu”, nhưng không phải tình yêu nam – nữ, mà là “tình yêu” của một người cha dành cho con gái. Người cha này đặc biệt ở chỗ ông không phải là một người “bình thường”, ông bị thiểu năng trí tuệ. Điều này càng khiến tình cha – con trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
     Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc tái hiện tình cảm của hai cha con dành cho nhau thôi thì bộ phim cũng không gây tiếng vang và lấy đi nhiều nước mắt của người xem đến vậy. Phim đặt ra một tình huống éo le là người cha phải vào tù vì bị gán cho tội danh bạo hành và hãm hại trẻ em – mà đứa trẻ này lại là con gái của cục trưởng cục cảnh sát. Mọi hiểu nhầm cũng chỉ vì chiếc cặp sách “Thủy thủ mặt trăng” mà ra (ai theo dõi phim sẽ hiểu). Nhưng chiếc cặp đó cũng là niềm ao ước của đứa con gái bé bỏng của người cha bị thiểu năng, là động lực để người cha mong ngóng đến tháng lương để mua cho con mình. Cuối cùng, người cha cũng hoàn thành được tâm nguyện của con gái, cũng chính là tâm nguyện của ông – mua tặng cho con chiếc cặp sách “Thủy thủy mặt trăng” vào ngày sinh nhật của bé 23/12. Nhưng trớ trêu thay, đó cũng là ngày ông bị xử tử hình vì cái tội danh không phải của mình !
     Trở lại với nhan đề của bộ phim – “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7”. Phòng giam số 7 – nơi giam giữ những “tội phạm” với đủ loại tội trạng, người cha thiểu năng là một trong số đó. Diễn biến của bộ phim chủ yếu xoay quanh phòng giam này. Nơi có một “đại ca” – không biết chữ, nhưng trọng chữ tín, nơi có những “tội phạm”, không cần biết họ phạm tội gì, chỉ cần nhìn cách họ cư xử cũng đủ để thấy hai chữ “tình người”, nơi có những “cai ngục” – mạnh miệng, nhưng “yếu lòng”, nơi có sở trưởng sở cảnh sát luôn đứng về phía lẽ phải. Ngoài tình cảm cha con thiêng liêng, bộ phim còn đề cập đến tình cảm giữa con người với nhau, dù là người mới quen biết, đó là sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Những “tù nhân” trong phòng giam số 7 đã cùng nhau “bao che” để cho người cha thiểu năng và con gái được gặp nhau trong chính phòng giam này. Họ cũng là người cùng chung tay để tạo nên một chiếc khinh khí cầu – hay đúng hơn là chắp một đôi cánh lớn để thả tự do cho người cha thiểu năng, dù đó là sự tự do trong tâm tưởng, chứ thực tế chiếc khinh khí cầu đấy không thể bay xa, không thể thoát khỏi sự kìm hãm của những chiếc dây thép gai của nhà tù, hay đúng hơn là của pháp luật – dù đôi khi luật pháp không phải lúc nào cũng đứng về phía người vô tội.
     Mặc dù trong phim xây dựng hình ảnh người cha bị thiểu năng, hành động có lúc ngô nghê, ngốc nghếch. Nhưng theo mình thấy rằng không phải vậy, ông là một người cha cực kỳ thông minh, ông nguyện hy sinh bản thân mình để bảo vệ đứa con gái bé bỏng của mình. Ông nhận mọi tội lỗi về bản thân để đảm bảo rằng con gái mình sẽ được an toàn, bình an. Phim bùng nổ ở khúc cuối khi đứa con đếm “3.2.1...” mà không thấy người cha của mình quay lại trêu chọc như mọi lần. Lại một lần nữa đếm “3.2.1” kèm theo tiếng gọi “cha ơi, cha ơi…!” thì người cha ấy cũng vùng ra khỏi tay người cai tù để chạy về với con gái, nhưng không phải để lè lưỡi trêu đùa như mọi lần mà là ôm con và khóc. Khóc vì biết rằng đây là lần cuối mình được nhìn thấy đứa con gái mà ông luôn thương yêu, chăm sóc, che chở. Ông quỳ xuống cầu xin, bất kể là ai cũng được, nói rằng “Tôi sai rồi. Tôi sai rồi”. Nhưng lại chẳng biết mình đã làm sai điều gì, câu nói kia chỉ muốn nói cho mọi người biết rằng “Đừng bắt tôi rời xa con mình”…Thế thôi !

     Bộ phim mở đầu với một phiên tòa – và kết thúc cũng là một phiên tòa. Đó là phiên tòa của tương lai. Phiên tòa với sự tham dự của con gái ông – với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo – người cha của mình, cùng với sự tham gia của những “bạn bè” năm xưa của bố mình, là những “bạn tù” trong phòng giam số 7, người cai ngục, sở trưởng sở cảnh sát…Cảnh cuối trong phim là cảnh mọi người vỗ tay vì bố của cô đã được tòa tuyên án “vô tội”. Vui đấy, nhưng là vui trong nước mắt. Vì người cha thiểu năng, yêu con gái hết mực ấy, đâu thể trở về được nữa rồi !