Bái Đính nhìn từ trên cao

Bái Đính nhìn từ trên cao

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

"Indochina" - Một sự nhầm lẫn phổ biến...

     Hôm nay có dịp ngồi ở IPH (hay còn gọi là Indochina Plaza) ở 241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Ấn tượng nhất là ở đây có cái bức tường toàn cây xanh cao tít tắp, rồi có chữ IPH bằng hoa hay lá gì đấy màu đỏ rất đẹp nổi bật trên nền lá xanh. Đang mải mê ngắm cảnh, hóng gió, chợt nghe thấy có bạn bên cạnh hỏi bâng quơ “Sao lại gọi là Indochina nhỉ?”. Ừm, mình thích câu hỏi này ! Không phải bởi nó là một câu hỏi hay mà vì lâu lắm rồi mới thấy có người thắc mắc về những thứ hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống xung quanh. Quả thật, chúng ta đang dần quên mất việc đặt câu hỏi mà thường cho đó là một điều hiển nhiên. Nhưng thật ra, chúng ta lại chẳng hiểu gì về nó cả.
     Quay trở lại với câu hỏi của bạn “ấy”, nếu chỉ dừng ở đây thôi thì mình cũng không có gì để bàn tán. Nhưng câu nghi vấn tiếp theo của bạn khiến mình “tá hỏa”: “Sao Đông Dương (“Indochina” theo tiếng Việt là "Đông Dương”) lại ghép từ hai chữ (hay hai nước) “Indonesia” và “Trung Quốc” nhỉ?”. Đến đây thì mình giật mình. Tại mình cũng nhớ được mang máng “Indo” trong từ này nghĩa là Ấn Độ mà. Diễn biến tiếp theo của cuộc độc thoại này là có vài bạn xung quanh ủng hộ với quan điểm trên và liên tục gật đầu hoài nghi “Ừ nhỉ! Tại sao lại thế nhỉ ?”.
     Lần này thì mình thật sự cũng bị lung lay bởi mình cũng không nắm chắc kiến thức lắm nên phải vội “lén lút” mở từ điển trong điện thoại tra từ “Indo”. Chẳng có từ “Indo” đứng một mình trong từ điển, nhưng may quá lại mò được từ “Indo Pacific” nghĩa là “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Lúc này mình mới thở phào nhẹ nhõm vì ít nhất mình đã không nhớ sai và hùa theo đám đông. Sau đó, mình liền “mạnh dạn phản bác” lại ý kiến của mấy bạn rằng sở dĩ gọi Đông Dương là “Indochina” (“Indo”- Ấn Độ và “China” - Trung Quốc) vì Đông Dương bị ảnh hưởng hay giao thoa của hai luồng văn hóa Trung - Ấn. Và hiển nhiên, câu trả lời của mình bị phớt lờ và kèm theo đó là lời phản biện của một bạn khác “Ấn Độ là India cơ mà !”. Lần này thì mình phải lôi “tang chứng vật chứng” – là cái điện thoại ra cho mấy bạn xem nhưng hiển nhiên là vẫn chẳng có ai tin và mọi người lại tiếp tục bài ca “Sao Đông Dương lại là Indochina – Indonesia và Trung Quốc? Chẳng liên quan gì cả!”. Đấy, phải công nhận là hổng kiến thức lịch sử - xã hội là một vấn đề vô cùng “đáng quan ngại”. Mình cũng tự kiểm điểm bản thân là còn rất nông cạn do đó chẳng thể giải thích ngọn ngành và đưa ra lý lẽ, bằng chứng thuyết phục cho người khác tin được. Nên tối về nhà là phải tìm bác Gút Gồ sợt thông tin ngay tắp lự.
     Theo như những gì mình tìm hiểu được thì:
1. Trước hết phải khẳng định “Indo” là cách viết Latinh của “Ấn Độ”.
2. Nước Indonesia được đặt tên từ thế kỉ 20, tức là rất lâu sau khi chữ “Indochina” được sử dụng. Và từ “Indo” trong tên nước này cũng có nghĩa là Ấn Độ.
3. Người Pháp gọi “Indochina” để chỉ khu vực nằm ở phía Đông của Ấn Độ và phía Nam của Trung Quốc, chịu ảnh hưởng văn hóa của hai vùng này.
4. Người Việt gọi là Đông Dương để phân biệt với Tây Dương (châu Âu), và Tiểu Tây Dương (khu vực bán đảo Ấn Độ). Ngoài ra còn có chữ “Nam Dương” chỉ quần đảo Malaysia-Indonesia.

Ảnh: "Indochina" (Sưu tầm)

Tái bút: Thế là từ nay ai có hỏi “Indochina” là gì thì mình đã có thể tự tin trả lời được rồi J

1 nhận xét: