Bái Đính nhìn từ trên cao

Bái Đính nhìn từ trên cao

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

[NKTT] Khoảnh khắc đáng nhớ...

Khoảnh khắc ở Hà Tiên…
Nhật ký, ngày 13 tháng 8 năm 2016. Bây giờ là 23h33’, chuẩn bị đến nửa đêm rồi, cũng gần kết thúc ngày thứ 4 trong chuyến hành trình 9 ngày 8 đêm Sài – Cam.
Mọi thứ cho đến giờ phút này đều ổn. Ăn ngon, ngủ kĩ, đi thăm thú nhiều nơi, mở rộng tầm mắt, thu nạp nhiều kiến thức bổ ích. Mỗi vùng miền đều để lại những dấu ấn riêng.
Với Sài Gòn…là những công trình kiến trúc tiêu biểu, kết hợp hai nền văn hóa Đông Tây như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố…; là phố xá đông đúc thường kẹt xe lúc giờ tan tầm; là những ly cà phê sữa đá thơm nồng góc phố; là những cơn mưa rào bất ngờ khiến người ta không kịp trở tay…
Về với sông nước miền Tây như Tiền Giang, Cần Thơ…điều để lại ấn tượng nhất là những con người nơi đây, từ bà má cho đến các cô, các chị…Họ sở hữu một giọng nói truyền cảm ngọt ngào, một tấm lòng nhân hậu, mến khách. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi thuyền lênh đênh trên sông nước thăm miệt vườn trên các cù lao, đi vòng vòng chợ nổi để mua trăm loại quả tươi, tối còn được “căng buồm ra khơi” ăn tối, ngắm sông nước về đêm…
Về với mảnh đất Hà Tiên…có một sự tĩnh lặng, yên ả khi đến nơi đây.
Nếu Sài Gòn – thành phố không ngủ tấp nập về đêm, chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ sầm uất vào buổi sáng sớm thì Hà Tiên hoàn toàn khác biệt. Cuộc sống nơi đây giống như một khúc nhạc du dương, ru người ta vào một giấc mộng thanh bình, đẹp đẽ.
Hai ngày ở Hà Tiên, ngoài sự tán dương với vẻ đẹp bình dị nơi đây, có một điều làm tôi sẽ nhớ mãi không quên là những người thầy giáo tuyệt vời của chúng tôi.
Qua chuyến đi này, nhất là sau khi chứng kiến hai thầy “lấy thân mình làm móc treo đồ” cho sinh viên, tôi mới cảm nhận được thầy không chỉ giữ cương vị là thầy giáo, mà thầy đối với sinh viên chúng tôi còn giống như một người cha luôn quan tâm, lo lắng cho sự an toàn của các con, một người bạn luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu nỗi niềm của sinh viên…Chẳng biết nói gì hơn, chỉ muốn nói rằng: “Chúng em cảm ơn hai thầy rất nhiều!”. Xin tặng hai thầy một vần thơ giản dị:

“Sáng lên núi Bình San
Chiều xuống biển Mũi Nai
Cùng với hai ‘vệ sĩ’
Rất chi là đáng yêu !”
Hai người Thầy đáng yêu <3
Những ngày ở “nước bạn”…
Qua cửa khẩu Xà Xía
Là đến Cam-pu-chia
Ở đây xài tiền Ria
Cùng với Đô La Mỹ
Người dân “si sì đèn”
Mà xài toàn xế sang
Trời thì nắng chang chang
Chẳng ai thèm mũ nón…
Lần đầu tiên trong đời được xuất ngoại, tức cảnh sinh tình tôi gieo mấy vần thơ cho vui. Không có ý chê người dân nước bạn có nước da màu, mà bởi tôi nhớ nhất câu nói đùa của bác hướng dẫn viên người Campuchia “Tôi không hiểu sao ở Campuchia bò thì trắng mà người thì đen?” Nhưng nước da “socola” của họ đâu có thể làm lu mờ đi vẻ đẹp thánh thiện ở bên trong. Với tôi họ là những con người rất đáng mến, dễ thương.
Sang bên này hầu như bị cắt đứt mọi liên lạc, không gọi điện được cho người thân, không gọi điện được cho bạn bè chung quanh, mạng yếu không kết nối được Internet…tưởng đó là một bất lợi nhưng thực ra tôi thấy đó lại một điều có lợi, giúp cho chúng tôi rời xa hoàn toàn “thế giới ảo” để có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất cuộc sống thật đang diễn ra ở xung quanh mình.
Đến với Campuchia, chúng tôi được đi thăm thú rất nhiều nơi và hoàn toàn bị choáng ngợp bởi những kiệt tác trong nghệ thuật kiến trúc từ cổ kính như quần thể kiến trúc Angkor Wat, Angkor Thom…đến những nơi sang trọng của hoàng gia như Cung điện Hoàng Gia Campuchia, chùa Bạc…và cả chốn ăn chơi xa hoa bậc nhất tại đây là tổ hợp khách sạn – casino NagaWorld…
Ngoài ra, tôi còn có dịp được hiểu tường tận hơn về nguồn gốc lịch sử của “đất nước chùa tháp” qua sân khấu biểu diễn nghệ thuật “Smile of Angkor” (Nụ cười Angkor) – một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của mỗi khách thập phương khi đến với đất nước của các vị thần và là một sản phẩm mà người dân Campuchia rất đỗi tự hào khi khoe với du khách.
Thêm vào đó, phải kể về thứ đặc sản đặc sắc nhất của Campuchia đó là món côn trùng. Tôi đã được nhìn thấy món này trên những trang báo mạng. Nhưng khi nhìn trực tiếp mới có thể cảm nhận được rõ nét sự “rùng rợn” của nó! Nhưng vì là dân du lịch nên chẳng có gì phải ngại, tôi quyết tâm ăn thử một cái…chân nhện. Và cảm nhận đầu tiên là “hơi giống vị thịt bò khô”, khá thơm, giòn và bùi. Tôi nghĩ cái việc ăn côn trùng này có thể liệt kê vào danh sách những “trò chơi mạo hiểm” được đấy!
"Đặc sản" Campuchia 

Ngày cuối ở Sài Gòn…
Tưởng không nhanh mà nhanh không tưởng. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hôm nay đã là ngày cuối cùng trong chuyến hành trình 9 ngày 8 đêm. Có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn, vui có, buồn có…cái buồn ở đây là vì cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Chẳng mấy chốc là chúng tôi phải đáp chuyến bay trở về với cuộc sống thường nhật. Nhiều khi ước giá như thời gian trôi chầm chậm, giá như một ngày có nhiều hơn 24 giờ để cho chúng tôi có thể khám phá thêm được nhiều điều, có thể vui với nhau thêm một chốc lát…Nhưng thôi tôi cũng chẳng buồn nhiều, cứ vui trong khoảnh khắc hiện tại đi cái đã, để sau này mỗi khi buồn ngồi nhớ lại những kỉ niệm đó bỗng thấy đời thật vui!
Vì ngày hôm nay được vui chơi tự do nên tôi cùng mấy đứa bạn rủ nhau đi Suối Tiên “xõa”. Đi đến đó bằng xe buýt. Đứa nào đứa đấy đều vui mừng hớn hở vì giá vé xe buýt có trợ giá giành cho sinh viên chỉ 2.000 đồng.

Đối với tôi, chuyến đi đến Suối Tiền lần này quả là một sự lựa chọn sáng suốt bởi lũ chúng tôi có cảm giác giống như mình đang mua 1 tấm vé để quay về tuổi thơ vậy. Ngày cuối ở Sài Gòn chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng đầy ắp tiếng cười. Chắc chắn tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên!
Suối Tiên - Nơi đầy ắp tiếng cười 

[NKTT] Lênh đênh trên sông nước miền Tây...

Hôm nay là một ngày mình rất mong chờ bởi được lênh đên trên những con thuyền, buổi sáng thì được đi thuyền ra các cồn Lân, cồn Phụng, tối thì lại được ăn trên thuyền tại bến Ninh Kiều.
Điều mình ấn tượng nhất ở vùng đất “gạo trắng nước trong” này là những người dân nơi đây, ai ai cũng đều dễ mến. Thuyền mình đi ra cồn có bà má miền Tây trong bộ áo bà ba với vai trò hướng dẫn viên. Không những có tâm với nghề, bà còn có tình với vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên, cách bà trò chuyện rất chân tình, cởi mở, giọng bà reo vui như chào mừng những vị khách phương xa đến với vùng đất “mênh mông sóng nước” này.
Thuyền cập bến vào cồn Lân (hay còn gọi là cồn Thới Sơn), đoàn mình được trải nghiệm “cảm giác mạnh” khi cầm 1 vỉ toàn những con ong đang bò lúc nhúc hay quấn trên mình một con trăn khổng lồ dài hàng mét, nặng hàng tạ, chỉ để…chụp ảnh. Quả thật đúng với câu “hết mình vì nghệ thuật”! Sau đó cả đoàn còn được thưởng thức thứ nước uống đặc sản ở nơi đây – mật ong chanh thêm vài hạt phấn hoa cho dậy mùi. Thứ nước âm ấm, ngòn ngọt, uống đến đâu lưu luyến đến đấy, không những giúp xua tan mệt mỏi mà còn có công dụng làm đẹp da. Thế này thì ai chẳng thích! Nhất là mấy đứa con gái, nên đứa nào đứa nấy cũng đều tranh thủ mua cho mình hay cho người thân một vài chai mật ong, hai ba hũ sữa ong chúa…về làm quà.
Tiếp đến cả đoàn được đi thăm lò sản xuất kẹo dừa Bến Tre, chưa đi đến nơi đã ngửi thấy mùi dừa thơm ngào ngạt. Đến nơi rồi thì thấy có một chú đang đứng trước một cái dùi nhọn, có 1 quả dừa khô cắm bên trên, và chú chuẩn bị trình diễn màn…lột dừa. Một màn biểu diễn nghệ thuật được đánh giá là “nguy hiểm”! Nhưng vì có nghề rồi nên chú lột trái dừa nhanh thoăn thoắt, trong vòng một…nốt nhạc. Đứa nào đứa đấy nhìn nhau mắt chữ A, mồm chữ O, thán phục. Chị chủ ở đấy đưa ra lời thách thức đứa nào lột được trái dừa sẽ được quà. Bốn mắt nhìn nhau, may quá có một bạn nam “to cao nhất lớp” – Sơn Nấm lên trình diễn, mặc dù tốc độ kém hơn nhưng quan trọng là kết quả, Sơn Nấm đã không phụ lòng tin tưởng của cả lớp, mang lại vinh quang và quà về cho đoàn !
Rồi cả đoàn lại tiếp tục di chuyển vào sâu trong khu vực miệt vườn, vừa được thưởng thức món “đặc sản tinh thần” – đờn ca tài tử Nam Bộ, vừa được nhấm nháp 5 loại trái cây tươi ngon là thanh long, nhãn, dưa hấu, dứa, đủ đủ…với lời khuyên là nên ăn từ chua đến ngọt. Đúng là việc ăn thôi cũng là cả một nghệ thuật và người ăn là một nghệ sĩ!
Không những được đi thuyền, chúng tôi còn được trải nghiệm loại phương tiện đặc trưng của người miền Tây đó là chiếc xuồng ba lá để di chuyển từ cồn Lân ra cồn Phụng. Gần như nhà nào ở đây cũng có ít nhất một chiếc xuồng. Trước kia những chiếc xuồng này phục vụ cho đời sống hàng ngày lênh đênh trên sông nước của người dân thì ngày nay nó còn là phượng tiện hữu hiệu phục vụ du lịch. Hai cô lái xuồng miền Tây mặc chiếc áo nâu giản dị, đầu đội nón lá, tay khua mái chèo, vừa đi họ vừa không quên giới thiệu cho chúng tôi về vùng đất, con người nơi đây, về những rặng dừa nước, những cảnh trí xuất hiện hai bên đường. Con kênh chúng tôi đi nho nhỏ thôi mà hai bên tấp nập những chiếc xuồng ba lá qua lại, người Việt có, người nước ngoài cũng có, ai cũng trao nhau một nụ cười trìu mến như những người bạn lâu ngày mới gặp lại.
Lênh đênh sông nước miền Tây...
Ảnh: Dương Hoàng
Chúng tôi dừng chân tại cồn Phụng, còn được biết đến là nơi phát tích của Đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam lập nên vào những năm 60 của thế kỉ trước. Có rất nhiều giai thoại và câu chuyện liên quan đến ông, qua lời kể của bà má miền Tây bỗng trở nên sinh động hơn rất nhiều. Đây cũng là điểm ăn trưa của cả đoàn. Với tôi, đây là bữa ăn ngon nhất, ngon miệng của hương vị sông nước, ngon mắt của cách bầy biện mâm cầu kì, hay bởi vì ăn trong khung cảnh lãng mạn của một màn mưa bụi bay bay? Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết là rất ngon mà thôi.
Thời gian thấm thoắt trôi đã đến buổi tối, lại một lần nữa tôi được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên thuyền. Có thể gọi đây là du thuyền ở bến Ninh Kiều bởi nó chuyên phục vụ khách du lịch về phương diện ẩm thực cũng như ngắm cảnh sông nước về đêm.
Sau khi thuyền cập bến, tôi cùng vài người bạn lại rủ nhau đi dọc những con phố sáng đèn ở Cần Thơ để hít thở bầu không khí trong lành, để cảm nhận những điều bình dị ở nơi đây và điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình ngày hôm nay là ở chợ đêm Cần Thơ. Đủ mọi món ăn từ Bắc – Trung – Nam, nhưng thứ thu hút ánh nhìn của lũ chúng tôi nhất chính là quán “trái cây xô”, một cái tên thật lạ, chưa từng nghe tới bao giờ. Hóa ra, mỗi đứa chúng tôi được phát cho một chiếc xô, có thể tùy ý múc thứ hoa quả, thạch, chọn vị siro mà mình thích. Càng tuyệt vời hơn nữa khi giá của nó rẻ tới bất ngờ - chỉ 18.000 cho một xô đầy ắp trái cây. Và một điều ghi điểm nữa là người bán hàng là 2 em trai vô cùng dễ thương, niềm nở. Chắc chắn tôi sẽ quay lại nơi đây để ăn món này bất cứ khi nào có dịp ghé thăm Cần Thơ !



[Nhật ký thực tập] Ngày đầu tiên ở Sài Gòn...

Hôm nay dậy sớm từ lúc 3h30, một phần là do 4h15 phải có mặt ở trường, phần còn lại là do cảm giác hồi hộp trước một chuyến đi xa khiến lòng “rạo rực”, khó ngủ. Mấy đứa ở lớp còn thức trắng đêm đợi đến giờ khởi hành và bảo “lên máy bay ngủ bù!" Nhưng cuối cùng khi máy bay cất cánh, đứa nào cũng tỉnh táo giống như sáng nay vừa uống một cốc cà phê đen nguyên chất. Nói chung cũng chẳng thể nào ngủ được bởi ai nấy đều còn mải “há hốc mồm”, có người trầm trồ vì lần đầu được đi máy bay, có người ngạc nhiên vì khung cảnh nhìn từ trên cao sao mà “ảo diệu” đến thế, nhìn đâu cũng chỉ toàn thấy mây, mây và mây. Những cụm mây trắng xóa như những bông tuyết, mềm mại như một chiếc gối và nhẹ nhàng giống như một cây kẹo bông gòn. Rất thích mắt! Đứa nào đứa nấy dán những đôi mắt to tròn qua cái cửa bé tí của máy bay như thể những đứa con nít lên 3 chứ không phải những đứa sắp hết cái thời sinh viên đại học năm 3, chuẩn bị bước sang những năm cuối cấp !
Còn đối với tôi, do đây không phải lần đầu tiên đi máy bay, nên cũng bớt bỡ ngỡ hơn, nhưng vì đây là lần đầu tiên sử dụng dịch vụ của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nên cũng có chút ngạc nhiên về chất lượng dịch vụ và thực lòng tán dương. Lần bay này rất êm, không bị ù tai, có báo hàng ngày để đọc, lại còn được phục vụ bữa sáng…còn gì tuyệt vời hơn nữa. Nhìn bữa sáng họ phục vụ tại chỗ mà chỉ muốn…chụp ảnh bởi vì quá “sang chảnh”, sand-wich được gói vuông vắn, hoa quả 3 miếng xếp ngay ngắn đẹp đẽ trong một cái hộp vuông, uống nước, trà hay cà phê tùy sở thích, có giấy ăn và tăm để bên cạnh…Cái đứa “nhà quê” là tôi mải mê chụp ảnh mà quên cả ăn, nhìn xung quanh mọi người đã đánh chén gần hết rồi và xa xa mấy anh tiếp viên trẻ đẹp đang đi thu dọn bàn ăn tôi mới “tỉnh ngộ”, cất máy ảnh đi và tập trung vào “chuyên môn” – ăn! Nhưng mà công nhận cái bánh sand-wich này to thật, chắc thiết kế để cho mấy người ngoại quốc ăn, chứ một đứa ăn khỏe như tôi mà ăn hết cũng no lặc lè luôn, không ăn thì phí, mà tôi lại ghét nhất cái tính bỏ dở nên cố ăn hết, thành ra no đến chiều!
Sau khi ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là – nắng. Cùng trên một dải đất hình chữ S mà bầu trời mỗi nơi mỗi khác. Dường như bầu trời ở thành phố Hồ Chí Minh cao hơn, trong xanh hơn, nắng chói chang hơn nhưng lại không gắt, không gây cảm giác nóng nực, khó chịu như ở Hà Nội. Nắng ở đây có kèm theo gió cùng những cụm mây bồng bềnh che lấp ông mặt trời khiến cho thời tiết bỗng trở nên mát mẻ hơn. Nhưng có người cảnh báo là “nắng Sài Gòn làm da nhanh đen lắm đấy!”. Mới đầu tôi không tin đâu bởi thấy không khí dễ chịu thế này cơ mà, nên khi đi chẳng che chắn gì nhưng đến tối là được kiểm chứng sự thật ngay!
Cả buổi sáng chúng tôi được đi tham quan những điểm du lịch nổi tiếng nhất của “thành phố mang tên Bác” như chùa Vĩnh Nghiêm, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng – nay trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh…mỗi nơi mỗi vẻ, nơi nào tôi cũng thu lượm được rất nhiều kiến thức hay, bổ ích từ sự chia sẻ của anh hướng dẫn viên, từ bài thuyết minh của các anh chị hướng dẫn tại điểm hay từ sự quan sát, đọc tư liệu của bản thân. Càng đi càng thấy mình nhỏ bé, thấy kiến thức của mình vẫn còn rất hạn hẹp!
Buổi chiều sau khi đã ăn trưa và nhận phòng khách sạn cũng đã là hơn 2 giờ chiều, thay vì chọn phương án – ngủ trưa, thì tôi cùng một nhóm bạn tranh thủ thời gian bắt taxi để đến tham quan những điểm du lịch hấp dẫn khác của thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm thành phố, trung tâm thương mại Diamond Plaza…Ra đường mới thấy ở Sài Gòn đường phố cũng đông đúc, tấp nập chẳng kém gì Hà Nội, thậm chí còn náo nhiệt hơn bởi lúc đấy mới có 3 giờ chiều mà đã có tình trạng kẹt xe, nhưng không đến mức quá nghiêm trọng.
Vì được hẹn ăn tối ở nhà hàng Tulip nên khoảng hơn 5 giờ chúng tôi đã lục tục ra về, cả lũ quyết tâm đi bộ dựa theo cái bản đồ được bác lễ tân tốt bụng ở khách sạn Ava đưa cho, trước khi đi bác còn tư vấn nhiệt tình về đường đi, hay các địa điểm ăn chơi ở gần đó. Nhưng đi chẳng được bao lâu chúng tôi đã phải chạy nháo nhào bởi những cơn mưa Sài Gòn đến bất chợt. Quả đúng như anh hướng dẫn viên của xe tôi đã nói “Sài Gòn giống như một cô nàng đỏng đảnh, chợt nắng chợt mưa!" Nhưng tôi lại thích cái sự “đỏng đảnh” đấy bởi chúng tôi đã có những kỉ niệm cùng nhau đứng bên mái hiên trú mưa, cùng nhau chạy dưới mưa, tắm mưa…Thế rồi cuối cùng cả lũ cũng phải bắt taxi đến điểm ăn tối bởi cơn mưa hôm nay khá to, hình như không có dấu hiệu ngừng lại.
Và đúng thế thật, ăn tối xong mưa càng lúc càng to hơn, mưa tuôn rào rào, gió thổi mạnh giống như sắp có một trận lũ lớn. Đứng từ trong nhà ngắm mưa mà tôi bỗng “tức cảnh sinh tình” sáng tác ra một bài thơ con cóc:
Mưa Sài Gòn!
Đến bất chợt
Không báo trước
Làm cho em
Ướt áo quần.

Mưa Sài Gòn
Sao mưa mãi
Làm cho ai
Phải xuyến xao.

Mưa Sài Gòn
Đến rồi đi
Còn lại gì
Trên kẽ lá.

Mưa Sài Gòn
Sao đỏng đảnh
Mà đáng yêu
Rất, rất nhiều !
Nói thế thôi, chứ thật ra mình thấy mưa Sài Gòn cũng không “đáng yêu” lắm đâu vì làm lỡ hết kế hoạch đi chơi. Nhưng may quá, buổi tối vẫn đội ô đi dưới mưa để gỡ gạc lại một chầu ốc nóng hổi tại quán ốc Đào!
Vậy là kết thúc một ngày với muôn vàn cảm xúc. Mong những ngày tới sẽ luôn được thuận lợi, suôn sẻ và vui vẻ.