Chẳng biết thích bác Ánh từ lúc nào, chỉ biết là cứ khi nào có một quyển truyện của bác mới ra lò là phải mua, đọc cho bằng được. Còn những quyển truyện cũ xuất bản từ lâu thì cũng "nhăm nhe" tích cóp tiền để sưu tập cho đủ bộ mỗi khi chúng được tái bản.
"Ngôi trường mọi khi" cũng là một trong những "siêu phẩm" của bác Ánh. Chỉ cần nhìn số lần tái bản - lần thứ 25, cũng đủ thấy được độ "hót" của tác phẩm này. Đâu cần phải "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", "Ngôi trường mọi khi" bản thân nó cũng chính là một tấm vé giúp chúng ta quay lại cái thời cấp 3 - độ tuổi dậy thì, lứa tuổi dở dở ương ương, chưa biết rõ "yêu" là gì, chỉ biết là hơi "cảm nắng một tí", "rung rinh một tẹo", "thinh thích một chút"...Nhưng chính những cái "một tí, một tẹo, một chút" đấy mới thật đáng yêu làm sao, hồn nhiên và trong trẻo như thế nào. Tình yêu tuổi học trò ngây ngô là thế nhưng vẫn đủ rung cảm để mỗi khi ta nhớ về nó lại bật cười - nụ cười ngô nghê mà hạnh phúc của một thời son trẻ. Cái ngày xưa ấy, thích một ai đó đơn giản biết bao, chẳng cần nắm tay chỉ cần một cái nắm vạt áo cũng đủ để ai kia bồi hồi xao xuyến, chẳng cần làm gì to tát, chỉ cần hàng ngày được xách cặp cho ai kia lên xuống lầu gác cũng đủ cảm thấy tự hào, chẳng cần phải bước song song trên con đường về mỗi ngày, thi thoảng chỉ cần "mượn cớ" để được trực nhật cùng nhau cũng khiến đối phương thổn thức...Thế mà "ai kia" hồn nhiên đâu hay biết, vẫn vô tư lự như ngày nào, dù đã khoác trên mình tà áo dài - biểu hiện của "nhớn", của "nữ tính" ấy thế mà vẫn tung tăng, vẫn thích tóc ngắn, quần đùi, đá bóng...
Nhưng "Ngôi trường mọi khi" đâu phải chỉ là truyện về tình yêu lứa tuổi học trò. Nổi bật lên trong đó là tình bạn thiêng liêng, cao cả. Từ những cô cậu học trò còn bỡ ngỡ, dần chúng đã trở nên thân thiết nhau từ lúc nào không hay. Chúng chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, rồi có khi còn "bao che" cho nhau...đúng kiểu học trò. Sao mà thấy thân quen đến thế ! Thích nhất những đoạn cả lũ "chúng nó" về nhà nhau ăn trưa, rồi chẳng ngủ mà rủ nhau đánh bài...sao mà nhớ ngày xưa thế. Tự hỏi liệu bây giờ tụi học sinh có được như thế không hay tan học thì đứa nào về nhà đứa nấy, cả năm trời có khi chẳng đến nhà nhau bao giờ, chỉ quây quần, tụ họp trong căn nhà "ảo" mang tên facebook?
Thêm vào đó, "Ngôi trường mọi khi" còn là một câu chuyện rất cảm động về tình cảm gia đình, anh "nói dối" em, mẹ "nói dối" con, em "dấu" anh..."Nói dối" hay "dấu giếm" ở đây không mang nghĩa xấu mà ngược lại nó có một ý nghĩa hết sức tốt đẹp. Dối nhau vì thương nhau, dối nhau vì không muốn làm người kia buồn, dối nhau vì muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho nhau...Cảm động vì những lời "nói dối" ấy. Rồi còn có cả vụ "làm dối" để "dấu giỏi" - không muốn mình học giỏi, chỉ muốn theo đuổi ước mơ làm đầu bếp mà không muốn theo ước mơ của bố mẹ là trở thành bác sĩ...!
Thế đấy, "Ngôi trường mọi khi" thật giống như một bức tranh muôn màu, muôn sắc mà chắc chắn khi ai một lần đọc cũng chỉ ước mong lại được một lần quay trở lại tuổi thơ. Đôi khi chỉ cần trong mơ thôi cũng được !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét