Bái Đính nhìn từ trên cao

Bái Đính nhìn từ trên cao

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

[NKTT] Khoảnh khắc đáng nhớ...

Khoảnh khắc ở Hà Tiên…
Nhật ký, ngày 13 tháng 8 năm 2016. Bây giờ là 23h33’, chuẩn bị đến nửa đêm rồi, cũng gần kết thúc ngày thứ 4 trong chuyến hành trình 9 ngày 8 đêm Sài – Cam.
Mọi thứ cho đến giờ phút này đều ổn. Ăn ngon, ngủ kĩ, đi thăm thú nhiều nơi, mở rộng tầm mắt, thu nạp nhiều kiến thức bổ ích. Mỗi vùng miền đều để lại những dấu ấn riêng.
Với Sài Gòn…là những công trình kiến trúc tiêu biểu, kết hợp hai nền văn hóa Đông Tây như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố…; là phố xá đông đúc thường kẹt xe lúc giờ tan tầm; là những ly cà phê sữa đá thơm nồng góc phố; là những cơn mưa rào bất ngờ khiến người ta không kịp trở tay…
Về với sông nước miền Tây như Tiền Giang, Cần Thơ…điều để lại ấn tượng nhất là những con người nơi đây, từ bà má cho đến các cô, các chị…Họ sở hữu một giọng nói truyền cảm ngọt ngào, một tấm lòng nhân hậu, mến khách. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi thuyền lênh đênh trên sông nước thăm miệt vườn trên các cù lao, đi vòng vòng chợ nổi để mua trăm loại quả tươi, tối còn được “căng buồm ra khơi” ăn tối, ngắm sông nước về đêm…
Về với mảnh đất Hà Tiên…có một sự tĩnh lặng, yên ả khi đến nơi đây.
Nếu Sài Gòn – thành phố không ngủ tấp nập về đêm, chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ sầm uất vào buổi sáng sớm thì Hà Tiên hoàn toàn khác biệt. Cuộc sống nơi đây giống như một khúc nhạc du dương, ru người ta vào một giấc mộng thanh bình, đẹp đẽ.
Hai ngày ở Hà Tiên, ngoài sự tán dương với vẻ đẹp bình dị nơi đây, có một điều làm tôi sẽ nhớ mãi không quên là những người thầy giáo tuyệt vời của chúng tôi.
Qua chuyến đi này, nhất là sau khi chứng kiến hai thầy “lấy thân mình làm móc treo đồ” cho sinh viên, tôi mới cảm nhận được thầy không chỉ giữ cương vị là thầy giáo, mà thầy đối với sinh viên chúng tôi còn giống như một người cha luôn quan tâm, lo lắng cho sự an toàn của các con, một người bạn luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu nỗi niềm của sinh viên…Chẳng biết nói gì hơn, chỉ muốn nói rằng: “Chúng em cảm ơn hai thầy rất nhiều!”. Xin tặng hai thầy một vần thơ giản dị:

“Sáng lên núi Bình San
Chiều xuống biển Mũi Nai
Cùng với hai ‘vệ sĩ’
Rất chi là đáng yêu !”
Hai người Thầy đáng yêu <3
Những ngày ở “nước bạn”…
Qua cửa khẩu Xà Xía
Là đến Cam-pu-chia
Ở đây xài tiền Ria
Cùng với Đô La Mỹ
Người dân “si sì đèn”
Mà xài toàn xế sang
Trời thì nắng chang chang
Chẳng ai thèm mũ nón…
Lần đầu tiên trong đời được xuất ngoại, tức cảnh sinh tình tôi gieo mấy vần thơ cho vui. Không có ý chê người dân nước bạn có nước da màu, mà bởi tôi nhớ nhất câu nói đùa của bác hướng dẫn viên người Campuchia “Tôi không hiểu sao ở Campuchia bò thì trắng mà người thì đen?” Nhưng nước da “socola” của họ đâu có thể làm lu mờ đi vẻ đẹp thánh thiện ở bên trong. Với tôi họ là những con người rất đáng mến, dễ thương.
Sang bên này hầu như bị cắt đứt mọi liên lạc, không gọi điện được cho người thân, không gọi điện được cho bạn bè chung quanh, mạng yếu không kết nối được Internet…tưởng đó là một bất lợi nhưng thực ra tôi thấy đó lại một điều có lợi, giúp cho chúng tôi rời xa hoàn toàn “thế giới ảo” để có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất cuộc sống thật đang diễn ra ở xung quanh mình.
Đến với Campuchia, chúng tôi được đi thăm thú rất nhiều nơi và hoàn toàn bị choáng ngợp bởi những kiệt tác trong nghệ thuật kiến trúc từ cổ kính như quần thể kiến trúc Angkor Wat, Angkor Thom…đến những nơi sang trọng của hoàng gia như Cung điện Hoàng Gia Campuchia, chùa Bạc…và cả chốn ăn chơi xa hoa bậc nhất tại đây là tổ hợp khách sạn – casino NagaWorld…
Ngoài ra, tôi còn có dịp được hiểu tường tận hơn về nguồn gốc lịch sử của “đất nước chùa tháp” qua sân khấu biểu diễn nghệ thuật “Smile of Angkor” (Nụ cười Angkor) – một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của mỗi khách thập phương khi đến với đất nước của các vị thần và là một sản phẩm mà người dân Campuchia rất đỗi tự hào khi khoe với du khách.
Thêm vào đó, phải kể về thứ đặc sản đặc sắc nhất của Campuchia đó là món côn trùng. Tôi đã được nhìn thấy món này trên những trang báo mạng. Nhưng khi nhìn trực tiếp mới có thể cảm nhận được rõ nét sự “rùng rợn” của nó! Nhưng vì là dân du lịch nên chẳng có gì phải ngại, tôi quyết tâm ăn thử một cái…chân nhện. Và cảm nhận đầu tiên là “hơi giống vị thịt bò khô”, khá thơm, giòn và bùi. Tôi nghĩ cái việc ăn côn trùng này có thể liệt kê vào danh sách những “trò chơi mạo hiểm” được đấy!
"Đặc sản" Campuchia 

Ngày cuối ở Sài Gòn…
Tưởng không nhanh mà nhanh không tưởng. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hôm nay đã là ngày cuối cùng trong chuyến hành trình 9 ngày 8 đêm. Có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn, vui có, buồn có…cái buồn ở đây là vì cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Chẳng mấy chốc là chúng tôi phải đáp chuyến bay trở về với cuộc sống thường nhật. Nhiều khi ước giá như thời gian trôi chầm chậm, giá như một ngày có nhiều hơn 24 giờ để cho chúng tôi có thể khám phá thêm được nhiều điều, có thể vui với nhau thêm một chốc lát…Nhưng thôi tôi cũng chẳng buồn nhiều, cứ vui trong khoảnh khắc hiện tại đi cái đã, để sau này mỗi khi buồn ngồi nhớ lại những kỉ niệm đó bỗng thấy đời thật vui!
Vì ngày hôm nay được vui chơi tự do nên tôi cùng mấy đứa bạn rủ nhau đi Suối Tiên “xõa”. Đi đến đó bằng xe buýt. Đứa nào đứa đấy đều vui mừng hớn hở vì giá vé xe buýt có trợ giá giành cho sinh viên chỉ 2.000 đồng.

Đối với tôi, chuyến đi đến Suối Tiền lần này quả là một sự lựa chọn sáng suốt bởi lũ chúng tôi có cảm giác giống như mình đang mua 1 tấm vé để quay về tuổi thơ vậy. Ngày cuối ở Sài Gòn chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng đầy ắp tiếng cười. Chắc chắn tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên!
Suối Tiên - Nơi đầy ắp tiếng cười 

[NKTT] Lênh đênh trên sông nước miền Tây...

Hôm nay là một ngày mình rất mong chờ bởi được lênh đên trên những con thuyền, buổi sáng thì được đi thuyền ra các cồn Lân, cồn Phụng, tối thì lại được ăn trên thuyền tại bến Ninh Kiều.
Điều mình ấn tượng nhất ở vùng đất “gạo trắng nước trong” này là những người dân nơi đây, ai ai cũng đều dễ mến. Thuyền mình đi ra cồn có bà má miền Tây trong bộ áo bà ba với vai trò hướng dẫn viên. Không những có tâm với nghề, bà còn có tình với vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên, cách bà trò chuyện rất chân tình, cởi mở, giọng bà reo vui như chào mừng những vị khách phương xa đến với vùng đất “mênh mông sóng nước” này.
Thuyền cập bến vào cồn Lân (hay còn gọi là cồn Thới Sơn), đoàn mình được trải nghiệm “cảm giác mạnh” khi cầm 1 vỉ toàn những con ong đang bò lúc nhúc hay quấn trên mình một con trăn khổng lồ dài hàng mét, nặng hàng tạ, chỉ để…chụp ảnh. Quả thật đúng với câu “hết mình vì nghệ thuật”! Sau đó cả đoàn còn được thưởng thức thứ nước uống đặc sản ở nơi đây – mật ong chanh thêm vài hạt phấn hoa cho dậy mùi. Thứ nước âm ấm, ngòn ngọt, uống đến đâu lưu luyến đến đấy, không những giúp xua tan mệt mỏi mà còn có công dụng làm đẹp da. Thế này thì ai chẳng thích! Nhất là mấy đứa con gái, nên đứa nào đứa nấy cũng đều tranh thủ mua cho mình hay cho người thân một vài chai mật ong, hai ba hũ sữa ong chúa…về làm quà.
Tiếp đến cả đoàn được đi thăm lò sản xuất kẹo dừa Bến Tre, chưa đi đến nơi đã ngửi thấy mùi dừa thơm ngào ngạt. Đến nơi rồi thì thấy có một chú đang đứng trước một cái dùi nhọn, có 1 quả dừa khô cắm bên trên, và chú chuẩn bị trình diễn màn…lột dừa. Một màn biểu diễn nghệ thuật được đánh giá là “nguy hiểm”! Nhưng vì có nghề rồi nên chú lột trái dừa nhanh thoăn thoắt, trong vòng một…nốt nhạc. Đứa nào đứa đấy nhìn nhau mắt chữ A, mồm chữ O, thán phục. Chị chủ ở đấy đưa ra lời thách thức đứa nào lột được trái dừa sẽ được quà. Bốn mắt nhìn nhau, may quá có một bạn nam “to cao nhất lớp” – Sơn Nấm lên trình diễn, mặc dù tốc độ kém hơn nhưng quan trọng là kết quả, Sơn Nấm đã không phụ lòng tin tưởng của cả lớp, mang lại vinh quang và quà về cho đoàn !
Rồi cả đoàn lại tiếp tục di chuyển vào sâu trong khu vực miệt vườn, vừa được thưởng thức món “đặc sản tinh thần” – đờn ca tài tử Nam Bộ, vừa được nhấm nháp 5 loại trái cây tươi ngon là thanh long, nhãn, dưa hấu, dứa, đủ đủ…với lời khuyên là nên ăn từ chua đến ngọt. Đúng là việc ăn thôi cũng là cả một nghệ thuật và người ăn là một nghệ sĩ!
Không những được đi thuyền, chúng tôi còn được trải nghiệm loại phương tiện đặc trưng của người miền Tây đó là chiếc xuồng ba lá để di chuyển từ cồn Lân ra cồn Phụng. Gần như nhà nào ở đây cũng có ít nhất một chiếc xuồng. Trước kia những chiếc xuồng này phục vụ cho đời sống hàng ngày lênh đênh trên sông nước của người dân thì ngày nay nó còn là phượng tiện hữu hiệu phục vụ du lịch. Hai cô lái xuồng miền Tây mặc chiếc áo nâu giản dị, đầu đội nón lá, tay khua mái chèo, vừa đi họ vừa không quên giới thiệu cho chúng tôi về vùng đất, con người nơi đây, về những rặng dừa nước, những cảnh trí xuất hiện hai bên đường. Con kênh chúng tôi đi nho nhỏ thôi mà hai bên tấp nập những chiếc xuồng ba lá qua lại, người Việt có, người nước ngoài cũng có, ai cũng trao nhau một nụ cười trìu mến như những người bạn lâu ngày mới gặp lại.
Lênh đênh sông nước miền Tây...
Ảnh: Dương Hoàng
Chúng tôi dừng chân tại cồn Phụng, còn được biết đến là nơi phát tích của Đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam lập nên vào những năm 60 của thế kỉ trước. Có rất nhiều giai thoại và câu chuyện liên quan đến ông, qua lời kể của bà má miền Tây bỗng trở nên sinh động hơn rất nhiều. Đây cũng là điểm ăn trưa của cả đoàn. Với tôi, đây là bữa ăn ngon nhất, ngon miệng của hương vị sông nước, ngon mắt của cách bầy biện mâm cầu kì, hay bởi vì ăn trong khung cảnh lãng mạn của một màn mưa bụi bay bay? Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết là rất ngon mà thôi.
Thời gian thấm thoắt trôi đã đến buổi tối, lại một lần nữa tôi được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên thuyền. Có thể gọi đây là du thuyền ở bến Ninh Kiều bởi nó chuyên phục vụ khách du lịch về phương diện ẩm thực cũng như ngắm cảnh sông nước về đêm.
Sau khi thuyền cập bến, tôi cùng vài người bạn lại rủ nhau đi dọc những con phố sáng đèn ở Cần Thơ để hít thở bầu không khí trong lành, để cảm nhận những điều bình dị ở nơi đây và điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình ngày hôm nay là ở chợ đêm Cần Thơ. Đủ mọi món ăn từ Bắc – Trung – Nam, nhưng thứ thu hút ánh nhìn của lũ chúng tôi nhất chính là quán “trái cây xô”, một cái tên thật lạ, chưa từng nghe tới bao giờ. Hóa ra, mỗi đứa chúng tôi được phát cho một chiếc xô, có thể tùy ý múc thứ hoa quả, thạch, chọn vị siro mà mình thích. Càng tuyệt vời hơn nữa khi giá của nó rẻ tới bất ngờ - chỉ 18.000 cho một xô đầy ắp trái cây. Và một điều ghi điểm nữa là người bán hàng là 2 em trai vô cùng dễ thương, niềm nở. Chắc chắn tôi sẽ quay lại nơi đây để ăn món này bất cứ khi nào có dịp ghé thăm Cần Thơ !



[Nhật ký thực tập] Ngày đầu tiên ở Sài Gòn...

Hôm nay dậy sớm từ lúc 3h30, một phần là do 4h15 phải có mặt ở trường, phần còn lại là do cảm giác hồi hộp trước một chuyến đi xa khiến lòng “rạo rực”, khó ngủ. Mấy đứa ở lớp còn thức trắng đêm đợi đến giờ khởi hành và bảo “lên máy bay ngủ bù!" Nhưng cuối cùng khi máy bay cất cánh, đứa nào cũng tỉnh táo giống như sáng nay vừa uống một cốc cà phê đen nguyên chất. Nói chung cũng chẳng thể nào ngủ được bởi ai nấy đều còn mải “há hốc mồm”, có người trầm trồ vì lần đầu được đi máy bay, có người ngạc nhiên vì khung cảnh nhìn từ trên cao sao mà “ảo diệu” đến thế, nhìn đâu cũng chỉ toàn thấy mây, mây và mây. Những cụm mây trắng xóa như những bông tuyết, mềm mại như một chiếc gối và nhẹ nhàng giống như một cây kẹo bông gòn. Rất thích mắt! Đứa nào đứa nấy dán những đôi mắt to tròn qua cái cửa bé tí của máy bay như thể những đứa con nít lên 3 chứ không phải những đứa sắp hết cái thời sinh viên đại học năm 3, chuẩn bị bước sang những năm cuối cấp !
Còn đối với tôi, do đây không phải lần đầu tiên đi máy bay, nên cũng bớt bỡ ngỡ hơn, nhưng vì đây là lần đầu tiên sử dụng dịch vụ của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nên cũng có chút ngạc nhiên về chất lượng dịch vụ và thực lòng tán dương. Lần bay này rất êm, không bị ù tai, có báo hàng ngày để đọc, lại còn được phục vụ bữa sáng…còn gì tuyệt vời hơn nữa. Nhìn bữa sáng họ phục vụ tại chỗ mà chỉ muốn…chụp ảnh bởi vì quá “sang chảnh”, sand-wich được gói vuông vắn, hoa quả 3 miếng xếp ngay ngắn đẹp đẽ trong một cái hộp vuông, uống nước, trà hay cà phê tùy sở thích, có giấy ăn và tăm để bên cạnh…Cái đứa “nhà quê” là tôi mải mê chụp ảnh mà quên cả ăn, nhìn xung quanh mọi người đã đánh chén gần hết rồi và xa xa mấy anh tiếp viên trẻ đẹp đang đi thu dọn bàn ăn tôi mới “tỉnh ngộ”, cất máy ảnh đi và tập trung vào “chuyên môn” – ăn! Nhưng mà công nhận cái bánh sand-wich này to thật, chắc thiết kế để cho mấy người ngoại quốc ăn, chứ một đứa ăn khỏe như tôi mà ăn hết cũng no lặc lè luôn, không ăn thì phí, mà tôi lại ghét nhất cái tính bỏ dở nên cố ăn hết, thành ra no đến chiều!
Sau khi ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là – nắng. Cùng trên một dải đất hình chữ S mà bầu trời mỗi nơi mỗi khác. Dường như bầu trời ở thành phố Hồ Chí Minh cao hơn, trong xanh hơn, nắng chói chang hơn nhưng lại không gắt, không gây cảm giác nóng nực, khó chịu như ở Hà Nội. Nắng ở đây có kèm theo gió cùng những cụm mây bồng bềnh che lấp ông mặt trời khiến cho thời tiết bỗng trở nên mát mẻ hơn. Nhưng có người cảnh báo là “nắng Sài Gòn làm da nhanh đen lắm đấy!”. Mới đầu tôi không tin đâu bởi thấy không khí dễ chịu thế này cơ mà, nên khi đi chẳng che chắn gì nhưng đến tối là được kiểm chứng sự thật ngay!
Cả buổi sáng chúng tôi được đi tham quan những điểm du lịch nổi tiếng nhất của “thành phố mang tên Bác” như chùa Vĩnh Nghiêm, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng – nay trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh…mỗi nơi mỗi vẻ, nơi nào tôi cũng thu lượm được rất nhiều kiến thức hay, bổ ích từ sự chia sẻ của anh hướng dẫn viên, từ bài thuyết minh của các anh chị hướng dẫn tại điểm hay từ sự quan sát, đọc tư liệu của bản thân. Càng đi càng thấy mình nhỏ bé, thấy kiến thức của mình vẫn còn rất hạn hẹp!
Buổi chiều sau khi đã ăn trưa và nhận phòng khách sạn cũng đã là hơn 2 giờ chiều, thay vì chọn phương án – ngủ trưa, thì tôi cùng một nhóm bạn tranh thủ thời gian bắt taxi để đến tham quan những điểm du lịch hấp dẫn khác của thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm thành phố, trung tâm thương mại Diamond Plaza…Ra đường mới thấy ở Sài Gòn đường phố cũng đông đúc, tấp nập chẳng kém gì Hà Nội, thậm chí còn náo nhiệt hơn bởi lúc đấy mới có 3 giờ chiều mà đã có tình trạng kẹt xe, nhưng không đến mức quá nghiêm trọng.
Vì được hẹn ăn tối ở nhà hàng Tulip nên khoảng hơn 5 giờ chúng tôi đã lục tục ra về, cả lũ quyết tâm đi bộ dựa theo cái bản đồ được bác lễ tân tốt bụng ở khách sạn Ava đưa cho, trước khi đi bác còn tư vấn nhiệt tình về đường đi, hay các địa điểm ăn chơi ở gần đó. Nhưng đi chẳng được bao lâu chúng tôi đã phải chạy nháo nhào bởi những cơn mưa Sài Gòn đến bất chợt. Quả đúng như anh hướng dẫn viên của xe tôi đã nói “Sài Gòn giống như một cô nàng đỏng đảnh, chợt nắng chợt mưa!" Nhưng tôi lại thích cái sự “đỏng đảnh” đấy bởi chúng tôi đã có những kỉ niệm cùng nhau đứng bên mái hiên trú mưa, cùng nhau chạy dưới mưa, tắm mưa…Thế rồi cuối cùng cả lũ cũng phải bắt taxi đến điểm ăn tối bởi cơn mưa hôm nay khá to, hình như không có dấu hiệu ngừng lại.
Và đúng thế thật, ăn tối xong mưa càng lúc càng to hơn, mưa tuôn rào rào, gió thổi mạnh giống như sắp có một trận lũ lớn. Đứng từ trong nhà ngắm mưa mà tôi bỗng “tức cảnh sinh tình” sáng tác ra một bài thơ con cóc:
Mưa Sài Gòn!
Đến bất chợt
Không báo trước
Làm cho em
Ướt áo quần.

Mưa Sài Gòn
Sao mưa mãi
Làm cho ai
Phải xuyến xao.

Mưa Sài Gòn
Đến rồi đi
Còn lại gì
Trên kẽ lá.

Mưa Sài Gòn
Sao đỏng đảnh
Mà đáng yêu
Rất, rất nhiều !
Nói thế thôi, chứ thật ra mình thấy mưa Sài Gòn cũng không “đáng yêu” lắm đâu vì làm lỡ hết kế hoạch đi chơi. Nhưng may quá, buổi tối vẫn đội ô đi dưới mưa để gỡ gạc lại một chầu ốc nóng hổi tại quán ốc Đào!
Vậy là kết thúc một ngày với muôn vàn cảm xúc. Mong những ngày tới sẽ luôn được thuận lợi, suôn sẻ và vui vẻ.


Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7


Lâu rồi mới lại có một bộ phim khiến mình cảm động và khóc nhiều đến vậy. “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” – đây là một bộ phim của Hàn Quốc. Chắc hẳn nhiều người khi nghĩ đến phim Hàn Quốc thường hình dung ngay ra các ngôi sao thần tượng, các “soái ca”,…không thì cũng là mô típ kiểu mắc bệnh hiểm nghèo, máu trắng, v.v. Nhưng, “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” là phim hoàn toàn khác, có thể nói là một thể loại phim mới của Hàn Quốc, nhưng không phải hoàn toàn xa lạ nếu bạn nào thường xuyên theo dõi phim Âu Mỹ. Phim xoay quanh chủ đề “tình yêu”, nhưng không phải tình yêu nam – nữ, mà là “tình yêu” của một người cha dành cho con gái. Người cha này đặc biệt ở chỗ ông không phải là một người “bình thường”, ông bị thiểu năng trí tuệ. Điều này càng khiến tình cha – con trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
     Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc tái hiện tình cảm của hai cha con dành cho nhau thôi thì bộ phim cũng không gây tiếng vang và lấy đi nhiều nước mắt của người xem đến vậy. Phim đặt ra một tình huống éo le là người cha phải vào tù vì bị gán cho tội danh bạo hành và hãm hại trẻ em – mà đứa trẻ này lại là con gái của cục trưởng cục cảnh sát. Mọi hiểu nhầm cũng chỉ vì chiếc cặp sách “Thủy thủ mặt trăng” mà ra (ai theo dõi phim sẽ hiểu). Nhưng chiếc cặp đó cũng là niềm ao ước của đứa con gái bé bỏng của người cha bị thiểu năng, là động lực để người cha mong ngóng đến tháng lương để mua cho con mình. Cuối cùng, người cha cũng hoàn thành được tâm nguyện của con gái, cũng chính là tâm nguyện của ông – mua tặng cho con chiếc cặp sách “Thủy thủy mặt trăng” vào ngày sinh nhật của bé 23/12. Nhưng trớ trêu thay, đó cũng là ngày ông bị xử tử hình vì cái tội danh không phải của mình !
     Trở lại với nhan đề của bộ phim – “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7”. Phòng giam số 7 – nơi giam giữ những “tội phạm” với đủ loại tội trạng, người cha thiểu năng là một trong số đó. Diễn biến của bộ phim chủ yếu xoay quanh phòng giam này. Nơi có một “đại ca” – không biết chữ, nhưng trọng chữ tín, nơi có những “tội phạm”, không cần biết họ phạm tội gì, chỉ cần nhìn cách họ cư xử cũng đủ để thấy hai chữ “tình người”, nơi có những “cai ngục” – mạnh miệng, nhưng “yếu lòng”, nơi có sở trưởng sở cảnh sát luôn đứng về phía lẽ phải. Ngoài tình cảm cha con thiêng liêng, bộ phim còn đề cập đến tình cảm giữa con người với nhau, dù là người mới quen biết, đó là sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Những “tù nhân” trong phòng giam số 7 đã cùng nhau “bao che” để cho người cha thiểu năng và con gái được gặp nhau trong chính phòng giam này. Họ cũng là người cùng chung tay để tạo nên một chiếc khinh khí cầu – hay đúng hơn là chắp một đôi cánh lớn để thả tự do cho người cha thiểu năng, dù đó là sự tự do trong tâm tưởng, chứ thực tế chiếc khinh khí cầu đấy không thể bay xa, không thể thoát khỏi sự kìm hãm của những chiếc dây thép gai của nhà tù, hay đúng hơn là của pháp luật – dù đôi khi luật pháp không phải lúc nào cũng đứng về phía người vô tội.
     Mặc dù trong phim xây dựng hình ảnh người cha bị thiểu năng, hành động có lúc ngô nghê, ngốc nghếch. Nhưng theo mình thấy rằng không phải vậy, ông là một người cha cực kỳ thông minh, ông nguyện hy sinh bản thân mình để bảo vệ đứa con gái bé bỏng của mình. Ông nhận mọi tội lỗi về bản thân để đảm bảo rằng con gái mình sẽ được an toàn, bình an. Phim bùng nổ ở khúc cuối khi đứa con đếm “3.2.1...” mà không thấy người cha của mình quay lại trêu chọc như mọi lần. Lại một lần nữa đếm “3.2.1” kèm theo tiếng gọi “cha ơi, cha ơi…!” thì người cha ấy cũng vùng ra khỏi tay người cai tù để chạy về với con gái, nhưng không phải để lè lưỡi trêu đùa như mọi lần mà là ôm con và khóc. Khóc vì biết rằng đây là lần cuối mình được nhìn thấy đứa con gái mà ông luôn thương yêu, chăm sóc, che chở. Ông quỳ xuống cầu xin, bất kể là ai cũng được, nói rằng “Tôi sai rồi. Tôi sai rồi”. Nhưng lại chẳng biết mình đã làm sai điều gì, câu nói kia chỉ muốn nói cho mọi người biết rằng “Đừng bắt tôi rời xa con mình”…Thế thôi !

     Bộ phim mở đầu với một phiên tòa – và kết thúc cũng là một phiên tòa. Đó là phiên tòa của tương lai. Phiên tòa với sự tham dự của con gái ông – với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo – người cha của mình, cùng với sự tham gia của những “bạn bè” năm xưa của bố mình, là những “bạn tù” trong phòng giam số 7, người cai ngục, sở trưởng sở cảnh sát…Cảnh cuối trong phim là cảnh mọi người vỗ tay vì bố của cô đã được tòa tuyên án “vô tội”. Vui đấy, nhưng là vui trong nước mắt. Vì người cha thiểu năng, yêu con gái hết mực ấy, đâu thể trở về được nữa rồi !

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Nghề gia sư

     Ngày xưa mình từng nói rằng ghét nhất làm việc gì liên quan đến nấu nướng và dạy học.
      Về nấu nướng – thật ra mình không ghét mà chỉ là nếu được chọn giữa nấu ăn và rửa bát, chắc chắn mình sẽ chọn việc dọn dẹp bãi chiến trường. Thành ra theo thói quen nên chẳng mấy khi mình nấu ăn – đâm lười chứ không ghét. Đôi khi mình cũng thích bày vẽ mấy món, nhưng phải là món nào ngon, độc, lạ cơ!
     Còn về việc dạy học, cái này mình ghét. Chẳng hiểu sao lại thế nữa! Có lẽ do cái tính độc lập, thích làm việc một mình hay do mình “nhìn” thấy nghề dạy học sao “vất vả” quá. Giống như nhiều cô giáo trường mình chẳng hạn, nói thao thao bất tuyệt trên bảng mà dưới có đứa nào chịu nghe đâu! (Trong đó có mình =.=! Thấy tội lỗi quá).
     Nhưng cái nghề gia sư “may ra” có vẻ “đơn giản” hơn là làm giáo viên một tí vì ít ra mình nói thì nó cũng phải nghe, không ít thì nhiều vì có 1 “thầy” – 1 “trò” thôi mà.
     Quay trở lại với cái “ngày xưa”, mình chẳng bao giờ nghĩ sẽ đi làm thêm gia sư mặc dù thành tích học tập vào loại “khá – giỏi”, nhưng thật ra mình chẳng tự tin vào bất kì môn nào cả. Mình thuộc loại mỗi thứ biết một tí nhưng chẳng giỏi xuất sắc cái gì (Đôi khi nhìn mấy đứa đi dạy gia sư ngưỡng mộ lắm). Thế nên, khi chọn các việc để làm thêm, mình cạch cái “món” này ra đầu tiên.
     Nhưng đúng là “việc chọn người” chứ không phải “người chọn việc”. Thế nào mà sau một hồi “trình bày hoàn cảnh” của cô hàng xóm thì mình cũng quyết định làm gia sư môn tiếng Anh cho đứa con gái năm nay thi Đại học của cô. Vì hai nhà là hàng xóm lâu năm nên mình quyết định nhận công việc này một phần vì nể, hai là tiện cái gần nhà, thời gian linh hoạt mà lại có thêm thu nhập.
     Mới đầu làm công việc này đúng thật là có hơi bỡ ngỡ nhưng rồi dần cũng quen. Tính mình được cái cẩn thận, trước khi truyền đạt kiến thức cho người khác là bao giờ mình cũng phải ôn và kiểm tra lại kiến thức của mình trước đã, có khi là trước cả tuần, để đảm bảo là khi dạy không sai sót gì.
     Mình thấy nghề này cũng hay vì vừa có thu nhập lại còn củng cố lại kiến thức cho bản thân rất nhiều. Nhưng, mình cũng thấy nghề này “dở” – dở một nỗi là nó là NGHỀ GIA SƯ. Thế nào là “gia sư”? Gia sư là dạy tại nhà. Tại sao phải dạy ở nhà? Do không học được trên lớp. Sao lại không học được trên lớp? Nhiều lý do, có khách quan, chủ quan cũng có. Nhưng yếu tố chủ quan chiếm đa số. Những ai thường chọn học gia sư? Đáp: Gia đình có điều kiện. Điều này là chắc luôn vì bình thường một buổi gia sư giá bèo cũng phải 100k trở lên. Chẳng bù mình ngày trước chui vào mấy cái “lò” luyện thi hàng trăm người chỉ vì một chữ - rẻ. Ngoài ra còn mấy lý do khác như ngu, lười…cộng thêm gia đình có điều kiện thì bạn có thể hình dung được thái độ học tập của đứa chọn học gia sư rồi đấy (mình nói trong hoàn cảnh của mình). Nhiều khi mình có cảm giác là không biết mình đang học hay nó đang học nữa cơ!
     Thật ra, có khi nó tiến bộ mình cũng vui vì cảm giác thành tựu. Nhưng đôi lúc mình tự hỏi cái sự tiến bộ của nó có phải “ăn may” không vì những khi nó học tụt dốc thảm bại thì mình lại thấy cực kì bất lực. Đến độ mình phải thốt ra những lời nói hơi khó nghe một chút rằng: “Em có muốn đỗ Đại học thật không? Chứ với kiểu học và thái độ học như này thì chị khuyên em nên học nghề! Em học cho mình chứ có phải học cho ai đâu. Em không tự lực cánh sinh thì chẳng ai giúp em được đâu. Đừng nghĩ học 2 buổi/ tuần như này là xong, người ta hơn nhau ở cái chăm chỉ. Nếu cứ thế này thì em đừng nghĩ đến việc đỗ đại học. Thế nhé! Suy nghĩ kĩ đi!”.
     Đấy, chẳng mấy khi mình nói nặng lời như này, không phải mình hiền, chẳng qua mình giỏi kiềm chế và không muốn bầu không khí trở nên căng thẳng. Nhưng với những gì nó “trả lại” sau những nỗ lực của mình thời gian vừa qua mình cảm thấy buồn. Nó giống như em mình vậy, mình lo cho nó và giận nó vì cái thái độ dửng dưng bất cần. Nhiều lúc nghĩ cũng thương mẹ nó vì lúc nào cũng đau đầu vì thành tích học tập của con.
     Có nhiều người nói rằng đỗ Đại học không quan trọng. Ừ, mình đồng ý! Nhưng phải xem xét hoàn cảnh nữa chứ. Nếu là một người đã nỗ lực hết mình mà không đỗ thì nói câu “không quan trọng” được xem như một lời an ủi. Còn với những đứa mà chẳng có lấy một lần cố gắng thì câu “không quan trọng” đấy chẳng khác nào việc cổ xúy, bao biện cho sự lười biếng của chúng. Thà thay vì nói “Đại học không quan trọng” sao không nói huỵch toẹt với chúng là “mày học nghề cho tao nhờ”, để phá vỡ ngay những ảo tưởng của chúng từ trứng nước, để đỡ phải tranh nhau thi đại học và biết đâu sau này chúng còn có cái nghề, không lo thất nghiệp.
     Đi làm mới thấy cái nghề gia sư này vất vả lắm đấy chứ. Dù là đứng trước trăm học sinh hay một học sinh thì với một người có trách nhiệm cũng giống nhau mà thôi. Mình đã nỗ lực hết sức, đã tâm huyết với việc mình làm mà học sinh không có tiến bộ thì mình sẽ buồn biết bao nhiêu. Có khi sau lứa học sinh này mình sẽ bỏ việc không biết chừng.

     Tái bút: Khi những dòng này được đăng lên cũng là lúc mình chính thức “từ giã” cái nghề gia sư sau gần hai tháng. Tính ra chắc được hơn chục ngày. Là “giáo viên” chắc ai cũng mong học sinh của mình chăm ngoan, học giỏi – không giỏi được thì ít nhất cũng phải chăm. Kiến thức có thể bồi đắp chứ thái độ là thứ không thể điều chỉnh ngày một ngày hai. Mình thấy mình hơi “đen” khi “lứa học sinh” đầu tiên của mình là một đứa mặc dù tự nhận mình dốt nhưng lại chẳng bao giờ chịu cố gắng. Lần nào sang dạy nó, mình cũng bị nó cho leo cây 15 – 20 phút để đợi nó “ngủ” xong cái đã, có khi mình còn phải lên phòng để gọi nó dậy. Có ai tận tình như mình không???
     Với mình, làm việc đâu chỉ là để kiếm tiền. Mình mong muốn mỗi việc mình làm mình sẽ dành hết tâm huyết cho nó. Nghề gia sư cũng vậy, mình cũng đã nỗ lực hết sức, soạn bài trước cả tuần, kiểm tra đi kiểm tra lại để tránh sai sót, đổi “giáo án” liên tục để cho phù hợp với “tâm trạng” của học sinh, cho bài giảng thêm sinh động, đỡ nhàm. Ngoài tư cách là “người dạy”, mình còn đóng vai “người chị” để trò chuyện với nó, động viên nó trong cuộc sống. Nhưng đúng là cái thái độ thì không thể nào sửa ngày một ngày hai. Mình đoán là tính cách này đã theo nó từ thuở bé, một đứa thụ động, dựa dẫm vào bố mẹ. Mình nói chuyện thẳng thắn với nó: “Nếu em muốn học để thi tốt nghiệp thì chị nghĩ em chỉ cần làm bài trong quyển ôn thi là sẽ qua, chị không cần dạy. Còn nếu em muốn thi đại học thì chị cũng sẽ không dạy với cái thái độ học tập như thế này. Chị không chê em học dốt hay trí nhớ kém, chị chỉ không thể nào chịu nổi cái thái độ của em. Em suy nghĩ đi, bản thân em muốn gì? Có muốn tiếp tục học không?”. Và mình nhận được câu trả lời nằm trong dự đoán là “Cái này do mẹ em quyết định”. Đến đây mình hoàn toàn bó tay.com rồi. Và mình cũng nói chuyện thẳng với mẹ nó luôn tình hình như thế - “Nếu cô vẫn muốn cho em học thì cháu sẽ nhờ bạn cháu giúp cô. Còn cháu không dạy. Cháu không chịu được thái độ học tập như thế!”. Nói đi cũng phải nói lại, có lẽ thái độ nó như này cũng bởi do mẹ nó nuông chiều, lúc nào cũng lót đường cho con đi, chưa thi đại học đã nghĩ là phải đi cửa sau như thế nào. Cái tâm lý PHẢI ĐỖ ĐẠI HỌC đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh biến những đứa con của mình thành con rối, thành đứa bù nhìn có một không hai. Nói tóm lại chắc là mình không có khả năng và không có DUYÊN với nghề này rồi. Thế thôi !

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

"Indochina" - Một sự nhầm lẫn phổ biến...

     Hôm nay có dịp ngồi ở IPH (hay còn gọi là Indochina Plaza) ở 241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Ấn tượng nhất là ở đây có cái bức tường toàn cây xanh cao tít tắp, rồi có chữ IPH bằng hoa hay lá gì đấy màu đỏ rất đẹp nổi bật trên nền lá xanh. Đang mải mê ngắm cảnh, hóng gió, chợt nghe thấy có bạn bên cạnh hỏi bâng quơ “Sao lại gọi là Indochina nhỉ?”. Ừm, mình thích câu hỏi này ! Không phải bởi nó là một câu hỏi hay mà vì lâu lắm rồi mới thấy có người thắc mắc về những thứ hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống xung quanh. Quả thật, chúng ta đang dần quên mất việc đặt câu hỏi mà thường cho đó là một điều hiển nhiên. Nhưng thật ra, chúng ta lại chẳng hiểu gì về nó cả.
     Quay trở lại với câu hỏi của bạn “ấy”, nếu chỉ dừng ở đây thôi thì mình cũng không có gì để bàn tán. Nhưng câu nghi vấn tiếp theo của bạn khiến mình “tá hỏa”: “Sao Đông Dương (“Indochina” theo tiếng Việt là "Đông Dương”) lại ghép từ hai chữ (hay hai nước) “Indonesia” và “Trung Quốc” nhỉ?”. Đến đây thì mình giật mình. Tại mình cũng nhớ được mang máng “Indo” trong từ này nghĩa là Ấn Độ mà. Diễn biến tiếp theo của cuộc độc thoại này là có vài bạn xung quanh ủng hộ với quan điểm trên và liên tục gật đầu hoài nghi “Ừ nhỉ! Tại sao lại thế nhỉ ?”.
     Lần này thì mình thật sự cũng bị lung lay bởi mình cũng không nắm chắc kiến thức lắm nên phải vội “lén lút” mở từ điển trong điện thoại tra từ “Indo”. Chẳng có từ “Indo” đứng một mình trong từ điển, nhưng may quá lại mò được từ “Indo Pacific” nghĩa là “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Lúc này mình mới thở phào nhẹ nhõm vì ít nhất mình đã không nhớ sai và hùa theo đám đông. Sau đó, mình liền “mạnh dạn phản bác” lại ý kiến của mấy bạn rằng sở dĩ gọi Đông Dương là “Indochina” (“Indo”- Ấn Độ và “China” - Trung Quốc) vì Đông Dương bị ảnh hưởng hay giao thoa của hai luồng văn hóa Trung - Ấn. Và hiển nhiên, câu trả lời của mình bị phớt lờ và kèm theo đó là lời phản biện của một bạn khác “Ấn Độ là India cơ mà !”. Lần này thì mình phải lôi “tang chứng vật chứng” – là cái điện thoại ra cho mấy bạn xem nhưng hiển nhiên là vẫn chẳng có ai tin và mọi người lại tiếp tục bài ca “Sao Đông Dương lại là Indochina – Indonesia và Trung Quốc? Chẳng liên quan gì cả!”. Đấy, phải công nhận là hổng kiến thức lịch sử - xã hội là một vấn đề vô cùng “đáng quan ngại”. Mình cũng tự kiểm điểm bản thân là còn rất nông cạn do đó chẳng thể giải thích ngọn ngành và đưa ra lý lẽ, bằng chứng thuyết phục cho người khác tin được. Nên tối về nhà là phải tìm bác Gút Gồ sợt thông tin ngay tắp lự.
     Theo như những gì mình tìm hiểu được thì:
1. Trước hết phải khẳng định “Indo” là cách viết Latinh của “Ấn Độ”.
2. Nước Indonesia được đặt tên từ thế kỉ 20, tức là rất lâu sau khi chữ “Indochina” được sử dụng. Và từ “Indo” trong tên nước này cũng có nghĩa là Ấn Độ.
3. Người Pháp gọi “Indochina” để chỉ khu vực nằm ở phía Đông của Ấn Độ và phía Nam của Trung Quốc, chịu ảnh hưởng văn hóa của hai vùng này.
4. Người Việt gọi là Đông Dương để phân biệt với Tây Dương (châu Âu), và Tiểu Tây Dương (khu vực bán đảo Ấn Độ). Ngoài ra còn có chữ “Nam Dương” chỉ quần đảo Malaysia-Indonesia.

Ảnh: "Indochina" (Sưu tầm)

Tái bút: Thế là từ nay ai có hỏi “Indochina” là gì thì mình đã có thể tự tin trả lời được rồi J

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Nếu là một con vật...


     Nếu có một phép lạ giúp biến hóa thành một con vật, tôi muốn biến mình thành một chú chim. Có nhiều loài chim, nhưng tôi thích nhất chú chim Sâm Cầm. Loài chim này trước đây từng xuất hiện nhiều ở hồ Tây và hiện lên thật đẹp qua lời bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:


“Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi.

Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…”



Nguồn: tonybuoisangblog.com


     Sở dĩ, tôi chọn việc trở thành một chú Sâm Cầm bởi ba lý do sau đây:
    Thứ nhất, tôi muốn biến thành một chú chim bởi tôi thích bay. Tôi thích cái cảm giác được tự do sải cánh trên cao, hòa mình vào cùng đất trời. Và nếu muốn, tôi có thể đến bất cứ nơi nào để ngắm nhìn, khám phá vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên, đất nước, con người. 
     Thêm vào đó, Sâm Cầm cũng là một loài chim di cư, chúng thường bay từ Bắc vào Nam để tránh rét và bay ngược lại khi thời tiết trở nên ấm dần. Tôi thích sự dịch chuyển và thích cách chúng hành động để thích nghi với hoàn cảnh sống. Chúng không phải là những con chim “ẩn mình chờ chết” mà là những con chim dám đương đầu với khó khăn.
     Thứ hai, Sâm Cầm cũng thuộc họ nhà gà (nên mới có chữ “Cầm” – trong từ “gia cầm”). Nhưng, Sâm Cầm lại đặc biệt ở chỗ nó là “gà nước” chứ không phải “gà cạn”. Do vậy, ngoài việc có thể bay lượn như các loài chim khác thì chúng còn có thể tung tăng bơi lội ở các vùng nước ngọt – vừa để tắm táp, vừa để tìm kiếm thức ăn cho mình ( là các loài thực vật dưới đáy hồ). Sâm Cầm vừa có thể bay, vừa có thể bơi càng giúp khẳng định việc đây là một loài có khả năng thích ứng rất cao trong bất kì môi trường sống nào.

     
Thứ ba, nguồn gốc của cái tên rất kêu – Sâm Cầm, là vì quê hương của chúng là “đất nước củ sâm” – Hàn Quốc, và thức ăn của chúng cũng là những củ sâm vậy nên có thể nói cả người Sâm Cầm giống như một “viên thuốc quý”, có thể chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho nhiều người. Thay vì sợ hãi do có thể bị nhiều người vây bắt thì tôi lại lấy làm vui vì điều đó bởi tôi biết rằng ít nhất thì sự tồn tại của mình cũng có giá trị và giúp ích cho mọi người !


Tái bút: Đây là bài dự thi để tham dự vào CLB đọc sách. Rất tiếc là bị trượt :) Đăng vào blog để giữ làm kỉ niệm.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Love, Rosie...


     Thường thì khi xem một bộ phim nào đấy, nghe thấy nhạc phim hay, người ta sẽ tìm bản nhạc đó để nghe lại. Còn tôi thì ngược lại, tôi biết đến phim "Love, Rosie..." là nhờ tình cờ nghe lại một bài hát mà tôi rất thích của Lily Allen. Hóa ra Littlest Things lại là một trong những bài nhạc của phim.



     Đọc một vài bình luận thấy các bạn khen phim hay nên tôi cũng vào xem. Một phần vì tò mò, phần khác là vì cái dự định học tiếng anh qua phim ảnh của mình. 
     Thật lòng mà nói thì tôi có cảm giác hơi hụt hẫng khi xem xong phim, có lẽ nó không được như tôi kì vọng. Không phải là phim không hay, nhưng tôi cảm giác nó không hợp với mình. Phim kết thúc có thể nói là có hậu. Nhưng chung quy lại đây vẫn là một bộ phim buồn. Nhất là đối với một đứa mơ mộng vào thứ "tình yêu cổ tích" như tôi. 
     Tình cảm của hai nhân vật trong phim không hề là một màu hồng, nó đan xen rất nhiều cảm xúc lẫn lộn, tình bạn - tình yêu - và đôi khi là "tình dục". Làm thế nào để cân bằng giữa những "mớ hỗn độn" đó. 
     Hai nhân vật chính trong phim là đôi bạn thân, có thể nói là "thanh mai trúc mã", nhưng họ không "dám" bước qua cái rào cản "tình bạn" ấy để tiến tới "tình yêu". Vì thế, họ đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để tiến đến với nhau. Nhưng có khi nào chính sự thân thiết, thân thuộc quá đã khiến họ mơ hồ giữa tình bạn, tình yêu, khiến họ không thể mở lòng mình để đón nhận người khác vì nghĩ rằng người đến sau kia không thể nào hiểu được mình ?
     Quả thực, xem đoạn đầu của phim tôi hơi bị "sốc văn hóa" một tí vì cái cách họ đề cập đến chuyện "tình dục" rất...tự nhiên (tôi không biết mình sử dụng từ này đúng không nữa). Tôi không chê trách, cũng không ủng hộ. Tôi không dám bình luận nhiều vì tôi không phải người trong cuộc nhưng tôi thấy cách họ làm "chuyện ấy" như kiểu để chứng minh một điều gì đấy, chứng tỏ sự "lớn" của mình. Tôi không thích điều này cho lắm. Không biết cuộc sống thực thì như thế nào? 
     Có một chi tiết tôi thích trong phim là nhân vật nữ chính đã không bỏ đứa bé khi biết mình có con với một người đàn ông có thể nói là "không được tốt đẹp cho lắm". Cô sinh đứa bé, nuôi dưỡng nó, yêu nó, học cách trở thành một người mẹ tốt vì đứa con của mình.
     Bộ phim đọng lại trong tôi cảm xúc "buồn", có lẽ một phần là do tôi đã nghe nhạc phim trước khi xem phim, nên giai điệu bài Littlest Things lúc nào nó cũng ám ảnh trong tôi. Và chắc tôi là một đứa lúc nào cũng thích mấy thể loại phim hài hước, hành động nên xem những bộ phim "man mác" thế này không hợp lắm. Nhưng qua bộ phim, tôi cũng đã rút ra được vài điều nho nhỏ rằng không nên chần chờ để đánh mất cơ hội trước mắt. Giống như hai nhân vật chính trong phim chỉ vì ngần ngại mà đã bước qua nhau không biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên, sau tất cả họ lại trở về với nhau. Hạnh phúc đấy nhưng không thiếu những khổ đau. Cười mà nước mắt tuôn rơi !

Link phim: http://hdonline.vn/phim-noi-cuoi-cau-vong-7922.html

“Chuyện tình New York” – Hà Kin


     
Nếu đi vào nhà sách, chắc chắn “Chuyện tình New York” sẽ là cuốn sách đầu tiên tôi bỏ qua bởi vì đó không phải là  “guu” của mình. Không tính đến nội dung truyện, chỉ nhìn đầu đề thôi tôi đã hình dung rằng chắc hẳn đây lại là một chuyện tình lãng mạn và có khi là lãng xẹt nào đó. Chưa kể tên tác giả - Hà Kin hoàn toàn xa lạ với tôi. Một người Việt Nam, viết tiểu thuyết tình yêu, trên đất Mỹ ? – Chỉ cần nghĩ thôi là đã thấy “không muốn đọc”. Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi quá nhiều truyện ngôn tình Trung Quốc, nhất là những thể loại cổ trang, siêu thực, viết về những “thứ” tình yêu chỉ có thể ở trong…mơ, nên đã nhanh chóng đưa ra một phán xét hết sức sai lầm.
     Quay lại với “Chuyện tình New York”, có lẽ việc sở hữu quyển sách này cũng do một chữ “duyên”. Tôi trao đổi những quyển sách của mình đã đọc với những người bạn hoàn toàn xa lạ trên mạng trong CLB đổi sách. Và “Chuyện tình New York” đã đến tay tôi như thế đấy. Nhưng cũng không phải đến một cách vô thức, không có chủ ý bởi tôi có thói quen là trước khi quyết định mua một quyển sách nào đấy bao giờ cũng phải đọc “review” về nó trước. Với “Chuyện tình New York” cũng tương tự, tôi lên mạng đọc bình luận của mọi người, nhiều ý kiến trái chiều, có người nói hay, có người nói nhạt, người nói tàm tạm. Nhưng nói chung tôi vẫn quyết định đổi nó. Chắc cũng tại chữ “duyên”.
     Cuốn sách đủ để khiến tôi đọc từ đầu đến cuối bởi cách dẫn dắt câu chuyện lôi cuốn, với các nhân vật đa dạng từ ngoại hình đến tính cách,thêm những chi tiết hài hước, và kèm theo đó là những tình huống bất ngờ…Nhưng điều tôi thấy thú vị nhất là chữ “thật”. Không biết sau khi đọc xong “Chuyện tình New York” các bạn cảm thấy thế nào chứ tôi thấy rất chân thật, từ chuyện tình yêu cho đến cuộc sống xung quanh. Những rung động nhẹ nhàng của tuổi 20, những khi khùng khùng điên điên của thời kì nổi loạn, nụ cười, niềm vui, hạnh phúc, rồi có cả những giọt nước mắt kìm nén xúc động, là đau, là thương, là yêu. Đây không phải là một chuyện tình bi lụy – tôi không thích những thể loại như thế. Tôi thấy “Chuyện tình New York” vừa đủ - yêu vừa đủ, không phải quá điên cuồng nhưng vẫn hết sức ngọt ngào và mãnh liệt. Nhiều khi tôi cảm thấy ghen tị với Hà Kin bởi sự “đặc biệt” của chị, như những gì chị miêu tả, như những gì người khác nhận xét chị hay có lẽ cũng chính là con người thật của chị ngoài đời. Hà Kin đặc biệt ở tính cách – một cô gái cá tính vừa đủ, đôi khi nổi loạn nhưng không phá phách, bất cần. Tôi thích tuýp người như thế. Hà Kin đặc biệt ở ngoại hình – chị đẹp, không phải nét đẹp theo tiêu chuẩn châu Á – da trắng, tóc dài. Hà Kin đẹp kiểu “xấu lạ” – da ngăm, môi dày, mắt to – “một đôi mắt gây đau đớn” và miệng thì lúc nào cũng mỉm cười. Tôi thích ngắm những người mắt đẹp, cảm giác có một nét gì đó rất kỳ bí, cuốn hút. Tôi yêu những người hay cười. Nhìn nụ cười của họ tự nhiên tôi cảm thấy yêu đời hơn. Có lẽ vì những nét đặc biệt của Hà Kin mà đã có rất nhiều chàng trai đem lòng yêu mến chị. Và vì Hà Kin là Hà Kin, không cần phải bắt chước bất kì ai, không cần phải theo khuôn mẫu nào. Hà Kin đủ cá tính, đủ tài năng.
     Khó có thể nói hết những gì mình cảm nhận sau khi đọc “Chuyện tình New York” bởi cảm nhận là thứ khó có thể diễn đạt bằng lời. Giống như yêu một ai đó mà không biết lý do vì sao. Tôi chỉ biết rằng mình đã có một quyết định đúng đắn khi đổi lấy quyển sách này. “Chuyện tình New York” không đơn giản là tình yêu mà còn là tình bạn, là muôn vẻ của cuộc sống. Tôi chợt nhận ra rằng, bất kì ai chúng ta gặp trong cuộc đời, dù họ tốt hay chưa hoàn thiện thì cũng sẽ là những người để lại cho chúng ta nhiều trải nghiệm quý báu, sau này khi ta nghĩ lại còn có một chút gì để vấn vương và có khi là mỉm cười vì điều đó.
Bỗng nhiên tôi ước có một cuộc sống muôn màu như của Hà Kin trong “Chuyện tình New York”.



Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Đường lên Sapa

     Rời xa phố phường  đông đúc của thủ đô Hà Nội, chúng tôi xuất phát tới Lào Cai vào một buổi sáng đẹp trời. Để đến được với thị trấn Sapa, xe chúng tôi phải lăn bánh qua những con đường đồi núi quanh co, có cảm giác hai xe đi ngược chiều sắp sửa chạm nhau trong gang tấc. Nhưng, điều đó không làm cản trở chúng tôi chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp hai bên đường. Trước mắt chúng tôi là những dãy núi đồi nhấp nhô, trùng điệp mà con người đã tô điểm thêm vào cảnh tượng hùng vĩ đó nét đẹp của ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp. Tuy mùa gặt đã qua, những thửa ruộng bậc thang không còn lấp lánh ánh vàng của lúa chín, nhưng chỉ cần nhìn "tác phẩm" ruộng bậc thang xanh ngút ngàn đó tôi cũng cảm thấy sự kết hợp tài tình của thiên nhiên và con người, tạo nên một cảnh tượng đẹp như tranh vẽ.


Quanh co Sapa, ảnh Chu Đậu

     Trên cung đường uốn lượn đó, cảnh trí hai bên đường vẫn còn rất hoang sơ, thi thoảng mới nhìn thấy một cái lán nhỏ dựng tạm dọc đường. Rất nhiều đồng bào thuộc các tộc người khác nhau đang đi bộ ven đường, người già có, trẻ con có, họ mặc trên người những trang phục truyền thống của tộc người mình, những chiếc váy, áo...rực rỡ tô điểm bởi những họa tiết thổ cẩm. Có người đi tay không, có người khoác sau lưng chiếc gùi, có người đang địu trên vai đứa con nhỏ...mỗi người một vẻ, mỗi người một công việc riêng, nhưng tựu lại, họ có một nét chung là rất mộc mạc và giản dị.
     Càng tiến gần đến thị trấn Sapa, khung cảnh hoang sơ của núi rừng ban đầu dường như được lấp đầy bằng những ngôi nhà ngói khang trang, nhiều nhà đã có xe con đậu trước hiên nhà, đường phố bỗng trở nên nhộn nhịp hơn bởi những quán xá, những người bán dạo hai bên hè phố.
     Xe chúng tôi dừng trước khách sạn Hải Anh, gần ngay trung tâm thành phố, chỉ mất chừng 5 phút là có thể đi bộ đến nhà thờ đá Sapa. Bước xuống xe, điều đầu tiên mà tôi cảm nhận thấy sự khác biệt rõ ràng chính là không khí. Nếu như ở Hà Nội trong những ngày hè, nhiệt độ dao động từ 32-36oC, kèm theo khói bụi và ô nhiễm khiến cho bầu không khí lúc nào cũng ngột ngạt, khó chịu, tinh thần con người vì thế cũng trở nên uể oải. Còn ở Sapa thì khác, không khí trong lành mát mẻ bất chợt ùa đến, len lỏi khắp cơ thể, khiến tôi có một cảm giác khoan khoái lạ thường. Cảm giác mệt mỏi sau một hành trình dài dường như biến mất. Tôi chợt như được tiếp thêm sức lực cho những chuyến hành trình về sau.